nhiều hay cúi gập người về phía trước. Nhưng với lưng và vai thì thật khốn
khổ. Tại sao số phận quá tàn nhẫn với tôi như thế? Lẽ nào tôi không có
quyền sống như anh chủ hiệu bán sách cũ Pasa hay như ông đại lí tàu biển
Henneken? Lẽ nào tôi không có đôi vai và đôi tay lao động khoẻ mạnh? Lẽ
nào tôi không sẵn sàng làm một anh bổ củi ở Melergade để kiếm miếng
bánh mì ăn? Lẽ nào tôi là một thằng lười? Lẽ nào tôi không chịu đi tìm việc
làm, không nghe các bài giảng ở lớp, không viết các bài báo, không đọc,
không làm quần quật ngày đêm như một thằng điên? Lẽ nào tôi không biết
tiết kiệm, không ăn chút bánh mì và sữa khi có việc làm sung túc, và chỉ ăn
một mình bánh mì khi ít tiền hơn và hoàn toàn nhịn đói khi không còn đồng
xu nào dính túi? Lẽ nào tôi dám sống trong khách sạn hay trong một căn hộ
lớn ở tầng một? Không, tôi sống ở một phòng nhỏ sát mái, sau đó ở phòng
xưởng của một người gò thùng mà mùa đông bị bỏ hoang hoàn toàn vì nó
bị chìm trong tuyết. Không, tôi không hiểu một chút gì cả.
Tôi vừa đi vừa nghĩ về tất cả những điều này, lòng tôi không hề vấn vương
một tí độc ác, ghen tị hay đau buồn nào.
Tôi dừng lại trước một cửa hiệu bán thuốc vẽ, chăm chú nhìn tủ kính. Tôi
định đọc những dòng chữ cầu kì trên các hộp đóng kín, nhưng vì tối quá,
không đọc được. Cái ý muốn kì quái mới mẻ này làm tôi thêm buồn. Tôi
gần như tức giận vì không đọc được để biết loại thuốc vẽ nào đang có trong
hộp. Tôi gõ mạnh lên mặt kính, rồi bỏ đi. Ði được một quãng trên phố, tôi
thấy một người cảnh sát. Tôi rảo bước đi lại thật gần rồi bỗng nhiên nói:
- Bây giờ là mười giờ!
- Không, chỉ mới hai giờ thôi, - ông kia ngạc nhiên chữa lại.
- Không, mười giờ, - tôi cãi lại. - Bây giờ là mười giờ. - Rên lên vì tức giận,
tôi bước thêm mấy bước về phía trước rồi giơ nắm đấm lên nói: - Này, tôi
nói để ông biết: bây giờ là mười giờ!