học là sở vọng của Narziss, khi anh là người ưu tú có nhiều phú tính và được
các thầy học coi là ngang hàng hay hơn mình? Nếu anh không xứng với
chức vụ, nếu vì tình bạn mà anh thiên vị hay lười biếng thì ông đã cách chức
anh ngay. Nhưng không có gì để buộc tội anh, chỉ có tiếng đồn và lời ta thán
của những người ghen tị.
Ngoài ra viện trưởng biết rõ những ưu điểm của Narziss, anh biết người một
cách sâu sắc và như thế cũng có cái đáng ngại. Ông không muốn đánh giá
quá cao ưu điểm của anh nhưng ông muốn anh có những ưu điểm khác.
Ông không ngờ rằng Narziss đã khám phá ra nét độc đáo trong cá tính của
Goldmund có cái gì khác ngoài hình ảnh một đứa trẻ dĩnh ngộ ai cũng phải
yêu, y mới là học sinh trọ học ở tu viện có lòng sốt sắng - có vẻ hơi già -
muốn tự coi mình là người của tu viện, gần như huynh đệ trong tôn giáo.
Ông không sợ Narziss khơi động hay khích lệ lòng nhiệt thành đó, đáng cảm
động nhưng chưa được chín chắn. Điều đáng sợ cho Goldmund là bạn y có
thể truyền cho y tính tự phụ của người trí thức, tính kiêu ngạo của người có
học uyên bác. Nhưng ông cho rằng đối với người học trò ấy sự nguy hiểm
không đến nỗi to tát, có thể để cho y chịu sự thử thách. Ông nghĩ rằng một vị
quản đốc điều khiển những người tầm thường sẽ được rảnh rang, dễ chịu, dễ
xử trí hơn là chỉ huy những người tài trí và dũng mãnh, nghĩ thế ông không
khỏi thở dài và mỉm cười. Nhưng ông không muốn để cho sự ngờ vực xâm
nhập vào người ông, ông không muốn bạc nghĩa với Thượng Đế vì Thượng
Đế đã cho ông hai nhân vật ưu tú.
Narziss nghĩ rất nhiều về trường hợp bạn anh. Đã từ lâu, anh hiểu bạn anh vì
anh có khiếu đặc biệt về linh cảm và thấu đáo tính tình và xu hướng của
người khác. Cứ xem sức sống tỏa ra từ người thanh niên ấy thì biết: y có đủ
tất cả dấu hiệu một người có cảm giác tinh vi, linh hồn phong phú, có thể là
một nghệ sĩ, dù sao thì cũng là một người có tình cảm mạnh mẽ, số mệnh và
hạnh phúc của họ ở điểm nóng nảy, dễ bùng nổ và hiến dâng trọn lòng mình.
Tại sao một người đa cảm, một người có cảm giác tinh vi và phong phú, có
thể cảm thấy mãnh liệt vẻ đẹp của một bông hoa, của lúc rạng đông, của một
con ngựa, của chim bay, của âm nhạc, có thể yêu mến những cái đó; một
người như thế lại có sức làm một người trí thức, một nhà tu khổ hạnh chăng?