cũng như tôi quyết tâm theo đời nhà tu. Anh cũng như tôi, đều là con của
Đức Chúa Cha. Chúng ta cùng mục đích tìm hạnh phúc vĩnh viễn. Số mệnh
chúng ta cũng như một: Trở về cùng Thượng Đế.”
Narziss: “Đúng lắm, đứng trước tôn giáo ai cũng như ai, nhưng trong đời
sống thì không như vậy. Kẻ tín đồ được chúa yêu, ngã đầu trên ngực Chúa,
kẻ khác phản Chúa không cùng một số mệnh với người kia.”
Goldmund: “Anh là người ngụy biện. Luận điệu của anh không làm chúng ta
gần nhau.”
Narziss: “Không có đường lối nào làm chúng ta đến gần nhau.”
Goldmund: “Sao anh lại nói thế.”
Narziss: “Tôi nói cũng như tôi nghĩ. Chúng ta không thể đến gần nhau như
mặt trời không thể đến gần mặt trăng. Chúng ta như mặt trời và mặt trăng.
Mục đích chúng ta không phải đồng hóa người này hay người kia, mục đích
của chúng ta là tìm hiểu xem người chúng ta như thế nào, rồi mỗi người học
cách nhìn và tôn trọng chân tướng của nhau: mỗi người chúng ta là cái gì
trái ngược nhau và bổ túc cho nhau.”
Goldmund lấy làm kinh ngạc, cúi đầu lặng thinh buồn thiu. Sau cùng y nói:
“Có phải vì thế mà anh coi thường ý kiến của tôi chăng?”
Narziss ngập ngừng một chút rồi mới cất giọng nói rành rọt và đanh thép:
“Chính vì thế đó. Chú phải tập cho quen đi, tôi chỉ coi trọng có con người
chú thôi. Tôi coi trọng từng giọng nói của chú, từng cử chỉ, từng tiếng cười
của chú. Trong người chú tôi chỉ coi trọng cái gì là chính yếu và cần thiết.
Tại sao chú lại muốn tôi coi trọng ý kiến của chú trong khi chú có nhiều
điểm ưu tú khác?”
Goldmund mỉm cười cay đắng: “Biết mà, anh vẫn coi tôi còn trẻ con.”
Narziss không chịu nhượng bộ: “Tôi coi một phần tư tưởng của chú còn con
trẻ. Lúc nãy tôi đã nói một đứa trẻ con có lương tri không kém gì một nhà
bác học. Nhưng khi một đứa trẻ con bép xép nói đến khoa học thì nhà bác
học không coi ý kiến của nó ra gì cả.”
Goldmund vội cãi lại: “Không nói đến khoa học anh cũng vẫn chê cười tôi.
Anh làm như lòng tin của tôi, tất cả cố gắng học hành tấn tới, ý định vào
sống trong nhà tu của tôi chỉ là trò trẻ con.”