Narziss nhìn y một cách nghiêm nghị: “Tôi chỉ coi chú quan trọng khi chú là
thằng Goldmund. Nhưng chú không luôn luôn là thằng cha đó. Ước vọng
quý giá nhất của tôi là chú cứ là thằng Goldmund hoàn toàn. Chú không
phải là nhà bác học, chú không phải là vị thầy tu. Một nhà bác học, một thầy
tu chỉ đẽo bằng gỗ tạp rẻ tiền, chú tưởng tượng ra tôi cho chú là người kém
bác học, kém luận lý, hay không được nhiệt thành với tín ngưỡng. Nhưng
không phải thế! Chú ít là chú quá đối với tôi.”
Sau bữa chuyện trò ấy, Goldmund trở về nhà bẽn lẽn và thương tổn tự ái,
nhưng mấy ngày sau y vẫn muốn tiếp tục câu chuyện. Chuyến này, Narziss
nói được cho y hiểu những điểm dị biệt của hai người, cho y thấy một hình
ảnh của y khó mà y chấp nhận được.
Narziss đem hết nhiệt tâm ra để biện minh. Anh cảm thấy ngày hôm nay
Goldmund sẵn lòng nghe anh và chấp nhận lời nói của anh dễ dàng hơn.
Anh biết là anh đã chinh phục được bạn. Ngây ngất vì sự thành công ấy anh
đã nói nhiều hơn anh muốn nói, anh để lời nói của mình dẫn dắt mình đi.
“Chú thấy không, chỉ có một điểm là tôi lợi hơn chú. Tôi biết mở to hai con
mắt còn chú nửa thức nửa ngủ, có khi ngủ hẳn. Tôi gọi là một người tỉnh,
người nào hiểu mình bằng hết tâm trí, bằng nhược điểm và ưu điểm thầm
kín mà lý trí không kiểm soát được, người nào biết sử dụng những khả năng
ấy. Chú hãy đọc lấy điều ấy, cuộc gặp gỡ của chúng ta có ý nghĩa cho dù là
như thế, trong người chú, thiên nhiên và ý tưởng, thế giới ý thức và thế giới
mơ mộng cách xa nhau một trời một vực. Chú đã quên mất thời thơ ấu.
Quãng đời thơ ấu đó từ đáy thẳm tâm hồn muốn trở lại chiếm đoạt chú. Nó
sẽ làm cho chú khốn khổ cho đến khi chú chịu nghe lời kêu gọi của nó. Như
tôi đã nói, tôi thức tỉnh hơn chú nhiều. Tôi vượt khỏi chú đến hang trăm dặm
vì thế tôi có thể giúp ích cho chú. Còn những điểm khác thì chú hơn tôi hẳn,
không thể chối được. Đúng hơn, chú sẽ vượt tôi khi nào chú tìm thấy bản
chất chân thật của chú.”
Goldmund nghe nói lấy làm ngạc nhiên, nhưng nói đến câu: “chú đã quên
tuổi thơ ấu”, y giật mình như bị trúng mũi tên, Narziss không nhận thấy vì
theo như thói quen, lúc nói anh đưa mắt xuống hay nhìn thẳng trước mặt,