những chuyện ấy chỉ là mất công vô ích. Ông mệt mỏi đi vào nhà nguyện
cầu kinh nhưng không tìm được chút an ủi. Chợt ngửi thấy mùi hoa hồng
thoang thoảng, ông trở ra lối dạo mát cho thoáng khí trong chốc lát. Ông
trông thấy trò Goldmund nằm sóng sượt bất tỉnh nhân sự trên thềm. Ông sờ
y dậy, kinh ngạc vì sắc tái nhợt của khuôn mặt bình thường đẹp đẽ trẻ trung
là thế. Ngày hôm nay thật là xui xẻo: lại chuyện này nữa! Ông muốn vực
người thanh niên lên nhưng không đủ sức mang gánh nặng ấy. Ông thở dài
sườn sượt, đi gọi hai người tu sĩ trẻ đến khiêng đi và cho gọi cha Anselme,
vị tu sĩ làm thầy lang. Đồng thời cũng gọi Narziss đến. Anh này được thông
báo mau lẹ và đến ngay lập tức.
“Anh đã biết rồi à?” Ông hỏi.
“Thưa có phải chuyện Goldmund không? Vâng, con biết rồi. Con vừa được
biết y đau hay gặp tai nạn và người mới vực y về.”
“Phải, tôi thấy y nằm sóng sượt ngoài kia. Y có việc gì đâu mà ra ngoài ấy
làm gì. Không phải là tai nạn; y bất tỉnh nhân sự. Cha không muốn có những
chuyện như thế. Hình như con cũng biết vụ này hay ít ra con cũng biết chút
gì. Nó chơi thân với con lắm phải không? Vì vậy cha cho gọi con đến.”
Narziss vẫn như mọi khi, tự chủ hành vi ngôn ngữ, anh nói qua về chuyện
bàn luận với Goldmund. Goldmund đã tỏ ra lanh lợi khi nghe lời anh nói.
Viện trưởng gật đầu, hơi tỏ vẻ bất bình.
“Những chuyện ấy kỳ dị thật.” Ông nói, cố giữ vẻ bình tĩnh. “Những điều
con nói với nó có thể coi là sự can thiệp vào đời sống nội tâm của người
khác; như thế là con đã đóng vai chỉ đạo lương tâm nó. Con chưa được phép
làm thế. Tại sao con lại có giọng khuyên răn một người học trò khi nói đến
những vấn đề chỉ thuộc quyền của vị giám đốc của nó? Con thấy không, hậu
quả tai hại là như thế đó!”
“Hậu quả, thưa cha, chúng ta chưa thể biết được,” Narziss nói một giọng
bình tĩnh và chắc chắn. “Y phản ứng mạnh mẽ quá làm con lo ngại thật,
nhưng con tin rằng lời nói của con sẽ có ảnh hưởng tốt cho y.”
“Sau này sẽ biết. Lúc này không nói đến vội. Tại sao con lại nói những
chuyện ấy với nó?”