phải yêu thương lẫn nhau, mà chỉ đơn thuần là ai làm phận sự của người
nấy.
Bản báo cáo ông ta soạn cho tôi với tư cách là quan tòa rất vắn tắt.
“Trong suốt quá trình thẩm vấn, lời khai của phạm nhân lộ rõ nhiều mâu
thuẫn. Bị vạch trần những điểm này, tù nhân đã nổi điên và tấn công sĩ
quan điều tra. Một trận ẩu đả đã xảy ra sau đó khiến tù nhân bị đập mạnh
vào tường. Nỗ lực phục hồi cho anh ta bất thành.”
Để hoàn thành đúng luật định, tôi đã cho gọi lính canh vào và bảo cậu ta
tường thuật cho tôi nghe. Cậu ta kể còn tôi thì ghi lại những lời cậu ta nói.
“Tù nhân trở nên không thể kiểm soát được và đã tấn công sĩ quan thị sát.
Tôi đã được gọi vào để giúp viên sĩ quan trấn áp anh ta. Vừa lúc tôi vào thì
cuộc giằng co kết thúc. Tù nhân đã bất tỉnh và chảy máu mũi.” Tôi chỉ chỗ
cho cậu ta ký tên vào. Cậu ta đón cây bút từ tay tôi một cách cung kính.
“Có phải viên sĩ quan đã bảo cậu nói vậy với tôi không?” Tôi nhẹ nhàng
hỏi cậu ta.
“Vâng, thưa ngài”, cậu ta trả lời.
“Lúc ấy tay người tù bị trói phải không?” “Vâng, thưa ngài. Ý tôi là,
không, thưa ngài.”
Tôi cho cậu ta ra ngoài và điền vào giấy chứng nhận mai táng.
Nhưng trước khi đi ngủ, tôi lại xách đèn lồng băng ngang quảng trường
và vòng qua những con đường phía sau để đến kho thóc. Có lính gác mới ở
cửa lều và một cậu bé tá điền khác đang quấn chăn ngủ. Tiếng kêu của con
dế ngưng bặt khi tôi lại gần. Tiếng động khi tôi đẩy chốt cửa không làm cậu
lính canh thức giấc. Bước vào trong lều và giơ đèn lên cao, tôi nhận ra rằng
mình đang xâm phạm vùng thánh địa, hay vùng vô đạo, nói sao cũng được,
khu vực cấm đầy bí ẩn của Chính phủ.
Cậu bé nằm trên một đống rơm trong góc lều, còn sống và vẫn ổn. Cậu ta
vờ như đang ngủ, nhưng tư thế nằm căng thẳng đã lật tẩy tất cả. Tay cậu bị
trói trước người. Ở góc bên kia lều là một cái bọc màu trắng.