cướp lại của chúng. Chủ yếu là những bộ tộc nghèo túng sinh sống riêng lẻ
thành nhiều nhóm nhỏ dọc con sông. Lâu dần nó trở thành lối sống. Ông
già đó nói bọn họ đang trên đường đến gặp bác sĩ. Có lẽ chuyện chỉ có thế.
Không ai lại cho một ông già và thằng nhóc bệnh tật gia nhập toán cướp
cả.”
Tôi dần nhận ra rằng mình đang bào chữa cho họ.
“Dĩ nhiên không ai nói chắc được. Nhưng dù bọn chúng có khai gian đi
nữa thì loại người như vậy có gì hữu dụng với ông chứ?”
Tôi cố nén cảm giác phát cáu trước sự im lặng khó hiểu của ông ta, vì
cặp kính tối màu bí ẩn và kệch cỡm ấy đã ti tiện che đi đôi mắt không chút
tật nguyền. Ông ta bước đi, hai bàn tay khoanh trước người hệt như đàn bà.
“Tuy nhiên”, ông ta nói, “Tôi vẫn phải tra khảo chúng. Tối nay, nếu tiện
tôi sẽ đưa một người phụ tá đi cùng. Tôi cũng cần ai đó hỗ trợ về khoản
thông ngôn. Cậu lính canh kia thì sao? Cậu ta dịch được chứ?”.
“Tất cả chúng tôi đều có thể cố gắng để họ hiểu mình. Ông không muốn
tôi có mặt ở đó phải không?”
“Anh sẽ thấy việc này thật tẻ nhạt. Chúng tôi đã lên kế hoạch từng bước
cả rồi.”
Mọi người đều quả quyết rằng có tiếng gào thét phát ra từ kho thóc, còn
tôi thì chẳng nghe thấy gì hết. Đêm đó, khi đi lo việc của mình, tôi luôn ý
thức được chuyện gì có thể xảy ra, thậm chí đôi tai tôi còn rất nhạy cảm với
nỗi đau của con người. Nhưng kho thóc là một tòa nhà kiên cố với những
cánh cửa dày và cửa sổ rất nhỏ, nó lại nằm tít bên kia lò mổ và nhà xưởng
phía nam. Hơn nữa, vùng đất từng là tiền đồn xa xôi rồi trở thành pháo đài
vùng biên giới, giờ đã phát triển thành một khu nông nghiệp. Đó là một thị
trấn ba nghìn dân, nơi sự huyên náo của cuộc sống và âm thanh từ tất thảy
ba nghìn con người trong một buổi tối mùa hè ấm áp chẳng thể lặng đi chỉ
vì ở đâu đó có kẻ đang gào khóc. (Ở góc độ nào đó, tôi bắt đầu viện cớ cho
bản thân.)