Khi Đại tá Joll có thời gian rảnh, tôi đã gặp lại ông ta và đề cập đến vấn
đề tra tấn tù nhân. “Sẽ ra sao nếu tù nhân của ông đang khai thật”, tôi hỏi,
“rồi họ nhận ra không ai tin lời mình? Tình cảnh đó không phải rất tồi tệ
sao? Thử tưởng tượng mà xem. bị ép khai, khai bằng hết, khi không còn gì
để khai và đã hoàn toàn suy sụp, vẫn buộc phải khai tiếp! Cả một trọng
trách đặt lên vai người thẩm vấn! Làm thế nào ông biết được phạm nhân có
đang khai thật hay không?”
“Nghe giọng là biết”, Joll nói. “Luôn có một giọng điệu đặc trưng khi
bọn chúng khai thật. Kinh nghiệm và quá trình huấn luyện đã dạy chúng tôi
cách nhận biết điều đó.”
“Chất giọng thành thật! Ông có thể nhận ra nó khi đối thoại hàng ngày
sao? Ông biết tôi đang nói thật hay không ư?”
Đó là khoảnh khắc thân mật nhất từng có giữa chúng tôi, khi ông ta phủ
nhận điều tôi vừa nói bằng một cái phẩy tay nhè nhẹ. “Không phải, anh
hiểu nhầm ý tôi rồi. Lúc này tôi chỉ đang đề cập đến những tình huống đặc
biệt, trong trường hợp tôi đang điều tra để tìm ra sự thật thì tôi phải gây sức
ép để truy cho bằng được.”
Đầu tiên bọn chúng nói dối, anh thấy đấy - chuyện diễn ra như thế này -
thoạt đầu là những lời nói dối, ta gây áp lực, chúng bắt đầu quanh co, rồi ta
lại gây áp lực nhiều hơn, làm chúng lỡ lời, thế là ta tiếp tục dồn ép, và cuối
cùng có được sự thật. Đó là cách anh lấy được lời khai.”
Chỉ có đau đớn mới là thật, tất cả những thứ khác đều đáng ngờ. Tôi học
được điều này từ cuộc trò chuyện với đại tá Joll, người có bộ móng tay
thuôn dài, những chiếc khăn tay màu hoa cà và bàn chân mảnh khảnh trong
đôi giày đế mềm luôn khiến tôi hình dung ra cảnh ông ta đang nhỏ to trò
chuyện với bạn bè trên hành lang rạp hát giữa các màn diễn ở thủ đô nơi
ông ta đang mong ngóng được quay về.
Mặt khác, tôi là ai mà đòi giữ khoảng cách với Đại tá Joll? Tôi ăn uống
cùng ông ta, đưa ông ta đi ngắm cảnh, giúp đỡ mọi thứ ông ta cần theo thư
ủy nhiệm, và hơn thế nữa. Chính phủ không yêu cầu công chức của mình