nhau cho đến khi máu bắt đầu chảy.” Tôi xoa hai tay cậu ấy trong bàn tay
mình. Cậu bé gập ngón tay lại một cách đau đớn. Tôi chẳng thể làm gì hơn
ngoài việc đóng giả một bà mẹ an ủi đứa con mình giữa những cơn giận dữ
của bố nó. Tôi vẫn không quên rằng một nhà thẩm vấn có thể mang hai mặt
nạ và trò chuyện bằng hai giọng. Khi thì dữ dằn, lúc lại ngọt ngào dụ dỗ.
“Nó đã được ăn gì tối nay chưa?”, tôi hỏi lính canh.
“Tôi không biết.”
“Cháu ăn gì chưa?”, tôi hỏi cậu bé. Cậu ta lắc đầu. Tôi cảm thấy tim
mình nặng như đá. Tôi không bao giờ muốn dính vào vụ này. Tôi không
biết nó sẽ kết thúc ở đâu. Tôi quay sang cậu lính canh. “Giờ tôi phải đi rồi,
nhưng có ba việc tôi muốn anh làm. Thứ nhất, khi tay cậu bé khá hơn, tôi
muốn anh trói chúng lại, nhưng đừng trói chặt quá đến nỗi chúng sưng lên.
Thứ hai, tôi muốn anh để nguyên tử thi trên sân như vậy. Đừng mang nó trở
lại đây. Sáng sớm mai tôi sẽ gửi một đội đến lo việc chôn cất, và anh sẽ
giao tử thi cho họ. Nếu có ai hỏi gì, cứ nói là tôi ra lệnh. Thứ ba, tôi muốn
anh khóa cửa lều lại và đi cùng tôi. Tôi sẽ vào bếp lấy chút gì đó đưa anh
mang về cho thằng bé ăn. Đi nào.”
Tôi không định dây vào vụ này. Tôi chỉ là một Quan tòa ở chốn quê mùa,
một công chức có nghĩa vụ phụng sự cho Chính phủ, hàng ngày đốt thời
gian ở cái vùng biên giới uể oải này, mòn mỏi chờ đến ngày nghỉ hưu. Tôi
thu thuế thập phân và vài loại thuế khác, quản lý những vùng đất công,
giám sát việc lo liệu cho đơn vị đồn trú, quản lý các sĩ quan cấp dưới duy
nhất ở vùng biên giới này, theo sát các hoạt động buôn bán kinh doanh và
làm chủ tọa ở tòa án hai lần một tuần. Thời gian còn lại, tôi ngắm mặt trời
mọc rồi lặn, ăn uống ngủ nghỉ và bằng lòng với cuộc sống của mình.
Khi qua đời, tôi hy vọng sẽ được khen tặng ba dòng trong một cột báo
nhỏ của tờ Đế quốc. Tôi không đòi hỏi gì hơn một cuộc sống thanh thản
trong thời đại thái bình.
Nhưng năm ngoái, những câu chuyện về bọn mọi rợ không chịu an phận
ở thủ đô bắt đầu lan đến chỗ chúng tôi. Thương nhân buôn bán trên các