sẽ xuất binh tiến đánh bộ lạc của cháu. Sẽ có giết chóc. Họ hàng của cháu
sẽ chết, thậm chế có thể là bố mẹ cháu và các anh chị em của cháu nữa.
Cháu thật sự muốn thế sao?”. Cậu ta không đáp. Tôi lắc mạnh vai và vỗ
vào má cậu. Cậu ta cũng không phản ứng lại. Như thể tôi đang đập một
thây ma. “Tôi nghĩ nó yếu lắm rồi”, cậu lính canh thì thầm sau lưng tôi, “bị
thương rất nặng và đuối quá rồi”. Cậu bé nhắm mắt lại.
Tôi cho mời vị bác sĩ duy nhất chúng tôi có, một lão già kiếm sống bằng
nghề nhổ răng và chế thuốc kích dục từ bột xương và máu thằn lằn. Ông ta
đắp thuốc dán lên vết thương và bôi thuốc mỡ lên hàng trăm đốm ghẻ nhỏ.
Ông ta hứa trong vòng một tuần, cậu bé sẽ có thể đi lại được. Sau khi dặn
dò tôi cho cậu bé ăn thức ăn bổ dưỡng, ông vội vã rời đi mà không hề hỏi
vì sao cậu bé lại bị những vết thương đó.
Nhưng Đại tá là một người thiếu kiên nhẫn. Kế hoạch của ông ta là mở
một cuộc vây bắt nhanh gọn đám dân du cư và bắt thêm tù nhân. Ông muốn
cậu bé đi cùng để chỉ đường. Ông ta còn yêu cầu tôi giao ba mươi trong số
bốn mươi đơn vị đồn trú và cung cấp ngựa cho ông ta.
Tôi cố ngăn cản ông ta. “Tôi không hề muốn bất kính với ông, Đại tá”,
tôi nói. “Nhưng ông không phải là một chiến binh, ông chưa từng tham gia
chiến dịch nào ở những nơi khắc nghiệt như thế này. Không có ai chỉ
đường cho ông trừ một đứa bé đã bị ông dọa cho mất vía nên sẽ nói bất cứ
điều gì xuất hiện trong đầu nó để khiến ông hài lòng. Dù thế nào đi nữa,
thằng bé đó cũng không thích hợp để đi cùng ông. Ông cũng chẳng thể
trông cậy vào đám binh lính sẽ giúp mình, bọn họ chỉ là những tá điền bị
buộc đi lính theo nghĩa vụ, hầu hết đều chưa từng đi xa hơn năm dặm khỏi
khu định cư. Những tên mọi mà ông đang săn đuổi sẽ đánh hơi được ông
đang đến và lẩn trốn vào sa mạc, trong khi ông vẫn còn cách cả ngày
đường. Bọn chúng đã sống ở đây cả đời nên biết rõ mọi ngõ ngách ở đây.
Ông và tôi đều lạ nước lạ cái - ông thậm chí còn xa lạ với nơi này hơn tôi.
Tôi thành thật khuyên ông không nên đi.”