Ông ta lắng nghe tôi nói hết, thậm chí (theo cảm giác của tôi) còn gợi
cho tôi nói ra. Tôi chắc chắn rằng sau đó cuộc trò chuyện này sẽ được ghi
lại, với lời bình phẩm rằng tôi là một kẻ ‘không an phận’. Khi đã nghe đủ
những gì tôi nói, ông ta gạt đi lời can gián của tôi. “Tôi có một nhiệm vụ
phải hoàn thành, thưa ngài Quan tòa. Chỉ có tôi mới biết khi nào công việc
của mình kết thúc”. Và ông ta tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi.
Ông ta đi trên cỗ xe ngựa hai bánh màu đen có giường xếp và một chiếc
bàn gấp dùng để viết cột vào mui xe bằng dây da. Tôi cung cấp cho ông ta
ngựa, xe, cỏ khô và các nhu yếu phẩm dùng trong ba tuần. Một trung úy
cấp thấp của đơn vị đồn trú đi cùng hộ tống ông. Tôi nói riêng với anh ta.
“Đừng lệ thuộc vào người chỉ đường của các anh. Cậu bé rất yếu và đang
vô cùng hoảng sợ. Hãy chú ý thời tiết. Nhớ làm mốc đánh dấu đường đi.
Nhiệm vụ hàng đầu của anh là đưa vị khách của chúng ta trở về bình an vô
sự.” Anh ta gật đầu.
Tôi tiến lại chỗ Đại tá Joll lần nữa, cố nắm bắt sơ qua những ý định của
ông ta.
“Đúng vậy”, ông ta nói. “Dĩ nhiên tôi không nên muốn tự gây nguy hiểm
cho mình khi dấn thân vào chặng đường phía trước. Nhưng, nói chung,
chúng ta sẽ xác định vị trí đám dân du cư của các anh cắm trại và sau đó
tiến xa hơn nữa tùy hoàn cảnh lúc đó thế nào.”
“Tôi hỏi điều này”, tôi tiếp tục, “chỉ bởi vì nếu chẳng may ông mất tích,
nhiệm vụ của bọn tôi là tìm kiếm và đưa ông trở lại với xã hội văn minh”.
Chúng tôi ngừng tranh luận một lát để gặm nhấm sự châm biếm trong lời lẽ
từ hai vị trí khác nhau.
“Ừ, dĩ nhiên”, ông ta nói. “Nhưng chuyện đó không thể xảy ra. Chúng
tôi may mắn có được những bản đồ tuyệt vời về vùng này do chính anh
cung cấp.”
“Chúng ít nhiều được vẽ ra dựa trên những lời đồn đại, Đại tá à. Tôi đã
chắp vá chúng lại với nhau theo mô tả của những kẻ du hành trong suốt