Dọc phòng tuyến phía bắc, chúng tôi đã đóng một hàng cột gắn mũ sắt ở
trên, cùng những ngọn giáo dựng đứng bên cạnh. Cứ nửa giờ, một đứa trẻ
lại di chuyển theo hàng cọc và rung nhẹ từng cái mũ. Chúng tôi hy vọng
làm thế có thể lừa được lũ mọi đang dòm ngó.
Khu trại mà Mandel bỏ lại cho chúng tôi chỉ còn lại ba người. Họ thay
phiên nhau đứng gác ở phòng xử án đã khóa chặt, cả thị trấn không ngó
ngàng gì tới họ, họ tự lo lấy thân.
Tôi chỉ huy hết các hoạt động nhằm đảm bảo cuộc sống nơi đây. Không
ai phản đối tôi. Tôi đã tỉa gọn hàm râu quai nón và mặc trang phục sạch sẽ,
tôi tiếp quản một cách hiệu quả công tác điều hành hợp pháp đã từng bị
đình lại cách đây một năm bởi sự có mặt của đội Dân phòng.
Chúng tôi phải chặt và trữ củi đốt, nhưng chẳng tìm được ai dám mạo
hiểm vào khu rừng bị đốt dọc bờ sông, nơi dân chài thề rằng họ vừa thấy
những dấu vết rất mới cho thấy bọn mọi đã hạ trại ở đó.
Tôi bị đánh thức bởi tiếng đập cửa. Đó là một người đàn ông gầy còm
với vẻ phong trần, đang thở không ra hơi, anh ta mặc một cái áo khoác lính
quá khổ và xách theo chiếc đèn lồng. Anh ta bối rối nhìn tôi trân trối.
“Anh là ai?”, tôi hỏi.
“Ông Chuẩn úy đâu rồi?”, anh ta trả lời, thở hổn hển, cố nhìn qua vai tôi.
Lúc đó là hai giờ sáng. Cổng đã được mở cho xe của Đại tá Joll vào, cỗ
xe đang đứng yên, càng xe hạ trên nền đất giữa quảng trường. Vài người
lính nép vào thùng xe để tránh cơn gió buốt. Từ trên tường thành, lính gác
trong tháp canh ló ra nhìn xuống.
“Chúng tôi cần thức ăn, ngựa mới, và cỏ khô”, vị khách của tôi nói. Anh
ta vội vã bước về phía tôi, mở cửa thùng xe và nói. “Chuẩn úy không có ở
đây, thưa ngài, anh ta đã bỏ đi.” Qua cửa sổ, dưới ánh trăng, tôi bắt gặp ánh
nhìn thoáng qua của lão Joll. Ông ta cũng thấy tôi. Cửa đóng sầm lại, tôi
nghe tiếng kéo chốt bên trong. Nhìn xuyên qua tấm kính, tôi thấy ông ta
ngồi trong góc xa tối mờ, cứng nhắc ngoảnh mặt đi. Tôi gõ lên mặt kính,
nhưng ông ta không chú ý. Thế rồi thuộc cấp của ông ta đẩy tôi đi.