lên, thị trấn ngời sáng một vẻ đẹp huyền bí, rạng rỡ trong thời khắc cuối
cùng này.
Tôi trèo lên tường. Giữa đám bù nhìn ôm vũ khí đang đứng đó, mọi
người nhìn chằm chằm về phía đường chân trời, nơi một đám mây bụi cát
rất lớn đang cuộn lên. Không ai nói gì cả.
Mặt trời chuyển sau màu đồng. Tất cả thuyền bè đã rời khỏi hồ, chim
chóc đều bặt tiếng. Có một khoảng lặng phắc. Sau đó gió táp vào.
Ở nơi trú ẩn trong nhà mình, với cửa sổ đã gài chốt và những thanh chắn
đặt sát cửa, đám bụi xám nhạt xuyên qua mái ngói và trần nhà, đáp lên từng
bề mặt không được che chắn, phủ lên chỗ nước uống, bám vào kẽ răng của
chúng tôi, chúng tôi ngồi nghĩ về đồng loại - đồng bạn của mình ở ngoài
kia, những người giờ đây chẳng biết dựa vào đâu ngoài việc đưa lưng ra
hứng gió và chịu đựng.
Vào buổi tối, tôi có thể chu cấp gỗ cho lò sưởi trong một hai tiếng đồng
hồ trước khi phần của mình hết veo và tôi phải co ro trên giường, cố quên
đi cơn lạnh bằng việc quay lại với thú vui cũ của mình, ráng sức sửa chữa
mấy cái hộp đá đã đập nát vứt trong vườn của tòa án mà tôi tìm được, hay
thư giãn với việc giải mã các chữ viết cổ xưa khắc trên những miếng gỗ
bạch dương.
Có vẻ đây là một việc làm đúng đắn, như một nghĩa cử với những người
từng sống ở nơi giờ chỉ còn là một đống tàn tích trong sa mạc, hẳn chúng
tôi cũng nên để lại cho hậu thế vài chứng tích về cuộc sống định cư chôn
vùi dưới những bức tường thành vây quanh thị trấn, và để viết nên một
trang sử như thế, dường như không ai thích hợp hơn vị quan tòa cuối cùng.
Nhưng khi tôi ngồi xuống bàn viết, bọc mình trong tấm da gấu cũ sờn to sụ
để chống lại cơn lạnh, với chỉ một ngọn nến (vì mỡ cừu cũng được chia ra
theo khẩu phần) và một chồng tài liệu ố vàng ngay khủy tay, tôi nhận ra
những gì mình đang bắt đầu viết không phải là biên niên sử của một vùng
tiền đồn thuộc Đế chế hay kể lể về những con người sống nơi đó đã trải qua