Quán nhậu lại ồn ào với những tiếng động đặc trưng. Tiếng
khui bia, tiếng leng keng của đá cục chạm vào thành ly, tiếng chúc
tụng sức khỏe, tiếng hò hét réo gọi phục vụ mang đồ ăn ra nhanh,
tiếng cười, tiếng nói, tiếng xì xoạp húp chén lẩu nóng rồi hít hà vì
vị cay xé lưỡi. Những thứ âm thanh làm nên một cái chất rất Sài
Gòn, rất đời thực. Nếu một lần có dịp, bạn hãy đến một con hẻm
nhỏ hay một quán nhậu lề đường và lắng nghe những âm thanh
thực ấy của cuộc sống, bạn sẽ hiểu thêm về những đứa con của Sài
Gòn đang sống ra sao, đang náo nhiệt thế nào.
Trong tôi lúc bấy giờ, Sài Gòn như một người mẹ có vòng tay thật
rộng, sẵn sàng đón nhận tất cả những đứa con có ước mơ, có hoài
bão đổi đời đến với mình. Nhưng rồi cũng trong vòng tay mênh
mông đó, những đứa con của Sài Gòn sẽ cắn xé, dẫm đạp lên nhau để
sinh tồn, phát triển. Sài Gòn hoa lệ, hoa cho những người giàu có và
lệ cho những người nghèo khó.
Mãi đắm mình trong những suy nghĩ vu vơ, tôi không nhận ra
rằng lúc đó đã hơn 2 giờ sáng, quán nhậu vắng bớt khách, chỉ còn
lại hai bàn, một đám xa lạ và mấy người hay chọc tôi. Cuối cùng thì
họ cũng kết thúc buổi ăn nhậu của mình, khật khưỡng đứng dậy rồi
hò hét chào tạm biệt nhau, cũng có nghĩa là tôi sẽ được về nhà và
nghỉ ngơi sau một buổi tối mệt nhoài.
Mấy người hay ghẹo tôi ra lấy xe cuối cùng, họ đưa cho tôi năm
cái thẻ xe nhưng lúc đó trong bãi chỉ còn bốn chiếc. Tôi cứ ngỡ khi
đó họ lại kiếm chuyện chọc mình nên cũng nửa đùa nửa thật hỏi lại.
- Thôi đừng giỡn với em nữa mà, để em còn lấy xe cho mấy anh
về. Mất xe, em không có tiền đền đâu.
- Giỡn với em làm gì, hồi nãy anh vào đây năm xe, thì lấy năm
cái thẻ, chứ thẻ đâu ra. Vô lấy xe nhanh đi. – Một người trong đám