có thể nghe được ông ta nói số nhà nơi đến. Anh ta liên lạc với Brock.
Brock gọi cho Ned ở Knightsbridge để nói với ông ta: “Xin ông để ý vị
khách của ông đang trên đường đi đến gặp ông đấy!”
Cho đến lúc đó, chưa ai có lỗi, ngoại trừ hai trinh sát viên, vì không ai
trong bọn họ có ý nghĩ ghi số chiếc xe taxi. Vào giờ đông xe, chặng đường
từ Strand đến Knightsbridge có thể mất một thời gian vô tận. Cho nên mãi
đến 19 giờ 30, Ned mới chịu thôi không chờ đợi nữa và trở về, băn khoăn
nhưng còn chưa có gì đáng lo ngại.
Đến 21 giờ, Ned cho báo động đỏ nội bộ, có nghĩa là không cho người Mỹ
biết. Luôn luôn Ned tỏ ra bình tĩnh và phản ứng một cách có hiệu quả.
Chắc chắn một cách vô ý thức, ông ta đã có chuẩn bị để đối phó với một
tình huống thuộc loại ấy, vì theo Brock, ông ta đã có sẵn một kế hoạch. Ông
không báo cho Clive biết. Sau này ông mới giải thích với tôi rằng trong tình
huống ấy, cho Clive biết thì chẳng khác nào gửi một bức điện tín đến cho
Langley(2).
Ned một mình lái xe chạy như bay đến Bloomsbury, nơi các “Lỗ tai của cơ
quan” được đặt trong một dãy hầm dưới Russel Square. Kỹ thuật viên
trưởng phụ trách việc sử dụng máy tại đó là bà Mary. Ned đưa cho bà ta
một danh sách những người mà Barley năng tiếp xúc, và hỏi Mary có thể
nghe lén điện thoại của các người ấy ngay lập tức được không?
Không, thật sự Mary không thể làm được điều đó. Bà ta nói:
- Ned, làm sai nguyên tắc một chút là một việc, nhưng nghe lén một cách
bất hợp pháp mười hai dây điện thoại, lại là một việc khác. Ông biết rất rõ
điều đó, phải không?
Ned gọi điện cho tôi ở Pimlio.
Theo nguyên tắc, các giấy cho phép nghe lén điện thoại phải do Bộ trưởng
Nội vụ ký, hay Thứ trưởng ký khi Bộ trưởng vắng mặt. Nhưng đã có cách,
vì ông Bộ trưởng đã cho phép cố vấn pháp luật ký giấy ấy trong trường hợp
khẩn cấp và với điều kiện phải chứng minh hành vi của mình trong thời hạn
hai mươi bốn giờ. Do đó, tôi viết ngày giấy phép, ký tên, tức tốc đem đến
đưa cho Mary.
Chúng tôi chờ đợi.