tin tức, cho đến ngày người ta có thể thuyết phục được người mà ông gọi là
Goethe thay đổi lề lối làm việc và liên lạc trực tiếp với chúng tôi... điều mà
theo tôi ít có cơ may xảy ra, rất, rất ít có cơ may xảy ra.
Sheriton đi quanh một vòng rồi nói tiếp:
- Ông Brown, ông là rường cột trong công việc này. Ông viết kịch bản, ông
đạo diễn, ông đóng vai chính, ông sản xuất phim? Hay ông chỉ là một vai
phụ?
Sheriton thở dài rồi nói tiếp:
- Ông Brown, lúc này ông có một người tình cố định, hay ông hôn bất cứ ai
ông tìm được?
Ned chưa kịp đứng lên thì Barley đã trả lời:
- Còn ông thì sao, ông lớn? Haggarty phu nhân làm tròn bổn phận của bà ta
hay ông lớn phải lang thang tìm bồ bịch?
- Ông Brown, người ta mua bức tranh Picasso của ông, chứ không phải
mua bức của tôi. Washington không thấy nhân viên tình báo la cà các quán
rượu dành cho những anh chàng độc thân.
- Tôi không thấy đời tư của ông Brown có liên hệ gì đến công việc này hết!
- Ned cắt ngang.
- Coi kìa, Ned! Ông đừng giả vờ ngây thơ như thế, - Sheriton phản đối. -
Này ông Brown, điều gì thúc đẩy ông đi qua nước Nga như đi chợ thế? Ông
mua đất ở bên đó à?
Barley vẫn mỉm cười. Sheriton dụng ý bắt đầu làm cho Barley bực tức.
Barley đáp:
- Nói cho đúng, đó là một điều mà tôi đã thừa hưởng của bố tôi. Lúc bố tôi
còn sống, ông luôn luôn yêu chuộng Liên Xô hơn nước Mỹ, và ông đã hy
sinh rất nhiều để xuất bản các tác phẩm văn học của Liên Xô. Ông thuộc
thành phần Fabian Society, hơi giống như New-dealers của các ông. Nếu là
ở bên nước của các ông, chắc chắn người ta đã nhanh chóng ghi tên ông
vào danh sách đen rồi.
- Tôi có đọc hồ sơ của bố ông. Thật là kinh khủng! Ông Brown, hãy cho
chúng tôi biết đôi chút về ông cụ. Ông cụ đã để lại cho ông những gì?
- Nhưng điều ấy nào có liên quan gì đến vấn đề này! - Ned kêu lên.