đằng nào thì mày cũng có thể ra ngoài. Nhưng lần sau thì phải ngồi đấy.
Hiểu chưa?” Nó lao ra hàng rào phía sau.
Tôi có một tin nhắn. “Grace, Jim Emerson đây,” giọng bố tôi cất lên.
“Còn được gọi là ‘Bố’,” tôi nói với cái máy, vừa đảo mặt vừa nhoẻn
miệng cười.
Tin nhắn tiếp tục. “Tối nay bố có ghé qua nhưng con ra ngoài. Cửa sổ
của con cần được thay. Bố sẽ lo vụ đó. Coi nó là quà sinh nhật nhé. Sinh
nhật con là tháng trước rồi, đúng không nhỉ? Dù sao thì cũng xong rồi. Hẹn
gặp con ở trận Bull Run.” Máy kêu “bíp”.
Tôi không thể không cười trước sự hào phóng của bố. Thành thật, tôi
kiếm đủ để trả các hóa đơn, nhưng là một giáo viên, tôi còn xa mới kiếm
được bằng những người khác trong gia đình. Natalie có lẽ kiếm gấp ba tôi,
và đó mới là năm đầu tiên của con bé trong thế giới việc làm. Margaret thì
kiếm đủ để mua một đất nước nho nhỏ. Bên nhà nội tôi “sinh ra từ tiền”,
như nội vẫn thích nhắc chúng tôi nhớ, và hơn thế nữa bố tôi có một mức
lương rất ư thoải mái. Nó làm ông cảm thấy mình ở vị trí người cha trong
nhà, trả tiền để nhà cửa được sửa sang. Lý tưởng ra thì ông những muốn tự
tay làm việc đó, nhưng ông rất hay tự làm mình bị thương khi xớ rớ quanh
mấy dụng cụ điện, ông chỉ học được cái thực tế này sau khi phải khâu mười
chín mũi do một thứ mà đến giờ ông vẫn gọi là cái máy cắt “gian xảo”.
Trở lại phòng khách, tôi ngồi trên ghế bành và nhìn quanh. Có lẽ đã
đến lúc sơn lại phòng, tôi hay làm như thế mỗi khi suy sụp trong cơn buồn
nản. Nhưng không. Sau gần một năm rưỡi cải tiến không ngừng, ngôi nhà
đã gần như hoàn hảo. Tường phòng khách màu oải hương nhạt với họa tiết
trắng sáng bóng và một chiếc đèn hiệu Tiffany ở một góc. Tôi đã mua chiếc
xô pha lưng uốn kiểu Victoria tại một buổi đấu giá và thay bọc với ba mảng
màu pha xanh lá cây, xanh da trời và màu oải hương. Phòng ăn màu xanh lá
cây nhạt, tập trung quanh một chiếc bàn phong cách Hội Truyền giáo. Ngôi