bếp ngã bệnh, phải mời bác sĩ đến, nhưng thật ra bà ta ngã bệnh là vì đêm
trước bà ta ngủ không quá hai giờ, cả ngày thì đứng, và ăn chỉ một tô cháo
trắng. Tôi cũng rất ngạc nhiên là Mẹ chi tiền không tiếc để đền Chion tổ
chức tụng kinh cầu siêu cho Bà Ngoại và mua những bình sen của người lo
tống táng – những việc quá tốn kém trong thời buổi đại suy thoái. Mới đầu
tôi tự hỏi phải chăng Bà Ngoại là người quá đạo hạnh khiến cho Mẹ phải
đau xót như thế, nhưng về sau tôi mới nhận ra như thế này: sẽ có nhiều
người ở Gion sẽ đến nhà chúng tôi để phúng điếu Bà Ngoại, rồi sau đó sẽ
đến dự lễ ma chay ở đền. Mẹ phải tỏ ra mình là người trọng lễ nghĩa.
Suốt mấy ngày, tất cả mọi người ở Gion đều đến nhà của chúng tôi, hay
hình như thế thì phải. Chúng tôi phải dọn trà bánh cho mọi người dùng. Mẹ
và Dì tiếp đón các bà chủ của các phòng trà và nhà dạy kỹ nữ, cũng như
đón một số người giúp việc có quen biết với Bà Ngoại, họ lại còn tiếp các
chủ tiệm buôn, những người làm tóc giả và thợ uốn tóc, hầu hết những
người này đều là đàn ông, và dĩ nhiên họ đón rất nhiều geisha. Những
geisha lớn tuổi thì biết Bà Ngọai từ thời bà còn hành nghề geisha, nhưng
những geisha còn trẻ thì chưa bao giờ nghe nói đến bà, họ đến là để tỏ lòng
tôn kính với Mẹ - hay có những người đến là vì họ có liên hệ này nọ với
Hatsumono.
Công việc của tôi trong những ngày bận rộn này là mời khách vào phòng
khách, nơi đây Mẹ và Dì đang ngồi đợi. Khoảng cách từ cửa cho đến phòng
khách chỉ có vài bước thôi, nhưng khách không thể vào phòng một cách dễ
dàng, và ngoài ra, tôi phải nhớ kỹ giày nào là của ai, vì tôi có bổn phận
mang giày họ vào để trong phòng gia nhân cho rộng chỗ ở trước cửa, và
đên khi họ về tôi phải mang ra cho họ. Thoạt tiên tôi rất khó nhớ. Tôi
không được nhìn thẳng vào mặt khách vì như thế là vô phép vô tắc, nhưng
chỉ nhìn sơ qua thôi, tôi khó mà nhớ cho được. Cho nên cuối cùng, tôi phải
nhìn kỹ vào áo kimono để nhớ.
Khoảng vào chiều hôm thứ hai hay thứ ba của lễ tang, tôi thấy một chiếc
kimono xuất hiện trên ngưỡng cửa, chiếc kimono làm tôi ngơ ngác vì nó
quá đẹp, đẹp nhất trong số khách đên viếng. Chiếc áo có màu tối vì người
mặc đến dự lễ tang – nền vải màu đen – nhưng các hình trang trí trên áo có