đã nhìn kỹ một chiếc thảm rơm, chắc anh thấy quanh tấm thảm có viền vải,
thường là bằng vải đen hay vải lanh đen, nhưng chiếu ở đây được viền bằng
lụa có hoa văn màu lục và vàng. Trong một hốc tường gần đấy có treo một
bức trướng chữ viết rất đẹp, đó là quà tặng cho Mameha của nhà thư pháp
nổi tiếng Matsudaira Koichi. Dưới bức trướng, trên cái bệ trong hốc, những
cành hoa hồng dại nở rộ được cắm trong cái dĩa cạn có hình lập thể màu
đen tuyền.
Tôi thấy cái dĩa rất kỳ lạ , nhưng thực ra đấy là quà do Yoshida Sakuhei
tặng cho Mameha, ông ta là nhà chế tạo gốm sứ theo trường phái Seteguro
vĩ đại, tác phẩm này sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trở thành tài sản
quý báu của quốc gia.
Cuối cùng Mameha từ phòng sau bước ra, mặc chiếc áo kimono kem có
hình vẽ ở lai áo rất đẹp. Trong khi cô ta đi đến bàn, tôi quay người, cúi
chào thật thấp, rồi khi đến bàn, cô ta quỳ đối diện với tôi, uống một hớp trà
do chị hầu mới bưng ra, rồi cô nói:
- Nào..Chiyo? Tại sao cô không nói cho tôi biết chiều nay làm sao cô rời
được nhà kỹ nữ? Tôi chắc bà Nitta không thích gia nhân đi làm công việc
riêng vào giữa ngày như thế này.
Thật tôi không ngờ cô ta hỏi như thế. Tôi không biết nói sao, mặc dù tôi
biết không trả lời rất cù lần. Mameha nhấp trà, nhìn tôi với vẻ mặt nhân ái
trên khuôn mặt trái xoan hòan hảo. Cuối cùng cô ta nói:
- Chắc cô nghĩ tôi sẽ mắng cô chứ gì. Nhưng tôi chỉ muốn biết việc cô đến
đây có gặp phải chuyện gì rắc rối không.
Tôi nhẹ người khi nghe cô ta nói thế. Tôi đáp:
- Thưa cô không. Tôi được sai đi mua tạp chí Kabuki và dây đàn Shamisen.
- Ồ tốt, tôi có nhiều các thứ ấy – cô ta nói, rồi gọi chị hầu bảo đi lấy một ít
các thứ ấy đem đến để trước mặt tôi trên bàn – Khi cô về nhà, cô cứ việc
đem về và không ai biết cô đi đâu. Bây giờ cho tôi biết vài chuyện nhé. Khi
tôi đến nhà kỹ nữ của cô để phúng điếu, tôi có thấy một cô gái bằng tuổi cô.
- Chắc là Bí Ngô đấy. Có phải cái cô mặt tròn không?
Mameha hỏi tôi tại sao gọi cô ta là Bí Ngô, tôi giải thích cho cô nghe. Nghe
xong cô ta bật cười.