trưởng - và ông cựu Cát đến, giao cho một trăm tám, nhờ lo liệu chôn cất
giùm. Hai ông nhận tiền, đứng ra làm ma cho chú. Cố nhiên là hai ngài
cũng có chấm mút ít nhiều chứ chẳng không. Dẫu ai thì cũng thế!
Ba, bốn tháng sau, một đêm mưa, chúng tôi chơi ở nhà ông tổng Trung;
muốn đánh tổ tôm chơi, nhưng thiếu chân, mà mưa to quá, không tìm ai
được. Tôi nói đùa :
- Giá chú Khì mà còn sống thì có bão chú ấy cũng lò dò tới ngay.
Một người nói :
- Tội nghiệp! Thế mà đã ra ma rồi.
Ông tổng vừa ngáp vừa kêu lên :
- Chú Khì ơi! Ở đâu thì về mà đánh tổ tôm.
Bỗng ngọn đèn bị gió thổi tắt phụt đi. Ông tổng gọi con lấy bao diêm.
Nhưng tự nhiên ngọn đèn lại cháy. Người ta đoán rằng gió mới thổi hắt
ngọn lửa xuống, chưa tắt hẳn. Im gió, thì ngọn lửa lại nhô lên. Không cắt
nghĩa cách nào có lý hơn, người ta đành nhận như thế là có lý. Nhưng bỗng
chẳng có tí gió nào, ngọn đèn cũng lại tắt đi. Có lẽ hết dầu? Không phải,
vừa đổ đầy phao từ chập tối; ít nhất phải ba đêm mới hết. Người ta chực
đánh diêm. Nhưng diêm chửa cháy thì đèn lại cháy. Mọi người đã đâm ngờ
rồi. Tôi trèo lên bàn, xem lại cái đèn; tôi vặn lên vặn xuống, bấc tốt lắm,
chẳng làm sao. Tôi vừa bước xuống cái đèn lại tắt. Bây giờ thì không ai cần
diêm nữa; ai cũng tin rẳng rồi tự nhiên lại cháy lên như thường. Quả nhiên.
Cứ thế, luôn năm, sáu lần. Tôi bỗng nảy ra một ý; tôi hỏi to :
- Có phải chú Khì đấy không?
Đèn tắt.
- Có phải chú muốn đánh tố tôm thì đốt cho đèn sáng lên.
Đèn sáng lên. Hai ba người cùng sửng sốt.
- Đánh góp mấy đồng?
Đèn tắt đi, sáng lên thật nhanh, bốn lần.
- Bốn đồng!.. Bốn đồng hử? Chúng tôi không đủ tiền. Đánh nhỏ thôi.
Tôi đợi một phút. Cái đèn tắt đi sáng lên hai lần. Mọi người đang sợ hãi,
thấy thế cũng phải bật cười. Tôi bảo ông tổng cho chia bài...