chồng và người chứa chịu. Không biết liệu ra sao, anh chồng bèn mua một
chục cau đem lên kêu với họ đạo, xin họ chôn làm phúc, rồi anh ta xin nhập
đạo. Họ nhận, làm ma cho người vợ. Rồi nhân tiện muốn giúp đỡ anh
chồng, họ bèn cho anh ta làm sãi để thay cho người lềnh và cấp cho anh ta
mấy sào đất bên cạnh nhà thờ để làm vườn, lại cho anh ta tiền để làm một
cái nhà con con. Từ đấy trai em trong họ không còn phải cắt lượt nhau làm
lềnh nữa. Được bốn mươi năm như vậy. Rồi người sãi chết. Hắn không có
con để mà kế nghiệp. Chân sãi khuyết. Bọn trai em quên hẳn cái lệ lềnh
ngày xưa rồi, chỉ biết có sãi là một anh na ná như thằng mõ, bây giờ nhất
định bướng, không chịu làm việc ấy. Bàn định mãi, các cụ bỗng nghĩ đến
anh cu Lộ. Nghĩ đến một cách rụt rè thôi.
- Giá anh ta chịu cáng đáng việc này cho thì hay quá! Anh ta cẩn thận
mà sạch sẽ... Mà cũng túng. Vườn rất hẹp. Cáng đáng được thì được thêm
bốn sào vườn nữa, sưu thuế không phải đóng.
- Mà mỗi kỳ thuế, họ lại còn cho thêm tiền...
- Kể ra thì chỉ toàn những cái lợi. Nhưng chỉ sợ anh ấy còn e cái tiếng.
- Tiếng tăm gì! Quét dọn nhà thờ thì cũng là làm việc thờ phượng, ai
làm không được. Còn đi mời quan viên, thì mình là người dưới, đi mời
người trên một tiếng, không đáng à?
Một cụ kêu lên như thế. Cụ tiên chỉ mủm mỉm cười, rồi hỏi:
- Hay là ta cho tìm anh ấy đến, dỗ anh ấy xem sao?
Lộ đến, người ta kể tất cả những cái lợi ra, để nhử. Rồi người ta lại cố
cắt nghĩa cho anh hiểu: làm sãi chẳng có gì mà nhục, cũng là làm việc họ
đấy thôi; ai cũng ngại, không chịu đứng ra cáng đáng, thì mình đứng ra
cáng đáng giùm cho cả họ; có phải mình tham lợi, tự nhiên đem trầu cau
đến xin làm đâu mà sợ tiếng?...