Tôi mỉm cười, cắt nghĩa cho anh hiểu: lúc này họ cần để ý đến những
người lạ mặt tới làng. Tôi chắc mấy người nấp nom tôi là mấy người có
trách nhiệm trong ủy ban hay mấy anh tự vệ.
- Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ!
Họ vừa ngố vừa nhặng xị. Đàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt
trong quần! Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút,
thế mà động thấy ai đi qua là hỏi giấy. Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi nữa. Anh
vừa ra khỏi làng, sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho
vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái việc hỏi giấy là thú lắm.
Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi:
- Anh sống ở nhà quê nhiều, anh có hiểu tâm lý của họ không? Anh
thử cắt nghĩa hộ tôi tại làm sao họ lại nhiêu khê đến thế? Từ trước đến nay,
tôi chỉ toàn ở Hà Nội, thành thử chỉ mới biết những người nhà quê qua
những truyện ngắn của anh. Bây giờ gần họ, tôi quả là thấy không chịu
được. Không chịu được!
Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài, theo cái bĩu môi dài thườn
thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau
kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người ngu độn, lỗ mãng, ích kỷ,
tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các
ông thanh niên, các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng nhố nhăng. Viết chữ
quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở
miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít,
phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa mới khổ thiên
hạ chứ! Họ mà tóm được ai thì có mà chạy lên giời! Thế nào họ cũng tuyên
truyền cho hàng giờ. Có lẽ họ cho những con người ở Hà Nội về như vợ
chồng anh đều lạc hậu, chưa giác ngộ nên họ không bỏ lỡ một dịp nào để
tuyên truyền vợ chồng anh. Mà tuyên truyền như thế nào!...
Anh trợn mắt bảo tôi: