- Tôi kể cho anh nghe chuyện này thế nào anh cũng cho là bịa. Nhưng
tôi có bịa một tí nào, tôi chết. Một hôm, tôi đi chợ Huyện chơi. Ở nhà đã
hỏi đường cẩn thận rồi, nhưng đến một cái ngã ba, lại quên béng mất,
không biết phải rẽ lối nào. Đành đứng lại, chờ có người đi qua thì hỏi. Chờ
mãi mới thấy một ông thanh niên nghễu nghện vác một bó tre đi tới. Tôi
chào rồi hỏi: "Đi chợ Huyện lối nào, ông làm ơn chỉ giúp tôi". Anh ta trố
mắt nhìn tôi chẳng nói chẳng rằng, như nhìn một giống người lạ mới ở Hỏa
tinh rơi xuống. Tôi biết hiệu, rút giấy đưa cho anh xem rồi lại hỏi. Bấy giờ
anh ta mới bảo: "Ông cứ đi lối này, đến chỗ có một cây đa to thì rẽ về bên
tay phải, đi một quãng lại rẽ về tay trái, qua một cánh đồng, vào đường
gạch làng Ngò, vòng ra đằng sau đình, rẽ về tay phải, đi một quãng nữa thì
đến chợ". Đại khái thế, chứ không phải hoàn toàn đúng thế. Chỉ biết là nó
lôi thôi rắc rối, nhiều bên phải bên trái quá, đến nỗi tôi không tài nào nhận
được. Anh ta bày cho tôi một cách: đứng đợi đấy, gặp ai gánh hàng đi chợ
thì đi theo. Tôi cho là phải. Anh ta cười bảo: "Thôi thế chào ông. Cháu vô
phép ông đi trước. Cháu vội lắm. Cháu phải vác ngay bó tre này lên
Thượng để làm công tác phá hoại, cản cơ giới hóa tối tân của địch. Cuộc
trường kỳ kháng chiến của ta phải chia làm ba giai đoạn phòng ngự, giai
đoạn cầm cự, giai đoạn tổng phản công. Giai đoạn phòng ngự nghĩa là...".
Anh ta cứ thế, đọc thuộc lòng cho tôi nghe cả một bài dài đến năm trang
giấy.
Chị Hoàng cười rú lên. Tôi cũng cười, nhưng có lẽ cái cười chẳng
được tươi cho lắm. Anh thấy cần phải thề lần nữa.
- Tôi có bịa thì tôi chết. Mà tôi lại thề với anh rằng lúc ấy tôi ngạc
nhiên quá, không còn cười được. Vả lại cũng không dám cười. Cười, nhỡ
anh ta đánh cho thì tai hại. Nhưng từ hôm ấy ngày nào tôi cũng bắt nhà tôi
đóng cổng suốt ngày không dám đi đâu nữa.
Tôi cười gượng. Điều muốn nói với anh, tôi đành giữ kín trong lòng
không nói nữa. Tôi biết chẳng đời nào anh nhận làm một anh tuyên truyền