man rợ và bí mật. Gần giống như ngày còn bé, tôi gần những bà đồng áo
khăn sặc sỡ.
Nhưng chị Phin chẳng man rợ và bí mật một tí nào. Đứng trước mặt
Tư, mặt chị đỏ bừng lên. Miệng chị, đôi mắt chị cười. Khi cười cũng đưa
ngang cái tay che miệng như những cô gái e lệ dưới xuôi. Và khi Tư đùa
hỏi Kỷ lai pi? (Bao nhiêu tuổi?), chị cũng thẹn thò trả lời: Nắm chắc
(Không biết).
Nhình Pin ở rẫy về. Chị cõng một cái giỏ đầy thóc còn cả bông ở trên
lưng. Tay chị cầm một quả dưa to. Tư hỏi:
- Mắc ca lăng? (Quả gì?)
- Mắc qua. (Quả dưa.)
- Kin đầy bố? (Ăn được không?)
- Kin đầy. (Ăn được.)
Chị đưa tay về đằng sau lưng, rút con dao, bổ quả dưa, đưa cho Tư.
- Kỷ lai chèn? (Bao nhiêu tiền?)
- Nắm âu chèn. (Không lấy tiền.)
Tư chỉ lấy một nửa thôi. Chị bảo Tư đưa nốt nửa kia cho bọn tôi ăn.
Đang khát, trông thấy dưa, thích mê người. Nhưng quái lạ! Mình vẫn thấy
ngài ngại, như sợ bẩn. Tại sao mà bẩn? Quả dưa vừa mới lấy ở ruộng về.
Cái bàn tay to lớn và múp míp của người cho bẩn thỉu chăng? Mới đến
gianh sơn Mán, mình vẫn còn nhìn mọi cái với con mắt của người Hà Nội.
Nhưng Tư đã cắn vào miếng dưa rồi. Chúng tôi cũng mỗi người một
miếng, ngoạm ăn. Giống dưa to như dưa hấu, nhưng thịt và ruột lại giống