- Thưa ba! Con đâu dám có ý nghĩ đó. Nếu không có tiền của ba thi
con cũng chẳng học hành đến đâu.
Giọng nói của chàng rất bình thản nên ông Thiện không nghĩ gì khác.
Vả lại, theo ý ông thì Vũ nói đến ân nghĩa của ông là chuyện bình thường.
Huống chi Vũ lại là con rể ở trong nhà. Nhưng Mộng Ngọc đã cảm nhận
ngay sự chua chát trong câu nói đó và nàng đã tự trách mình đã lỡ lời làm
buồn lòng Vũ. Nàng không biết nói sao cho Vũ khỏi nghĩ ngợi buồn phiền,
nhưng trước mặt cha, nàng đành nín lặng.
Ông Thiện nói tiếp:
- Nếu vậy thì ba cho tụi nó khởi công xây cất. Lúc này công việc ở
hãng thầu cũng nhàn lắm! À, còn họa đồ bệnh viện, con có muốn nhờ ai vẽ
không?
Vũ đáp:
- Dạ! Tùy ba liệu! Ba quen việc xây cất chắc hiểu rành hơn con.
Rồi chờ lúc ông Thiện quay sang giỡn với bé Dung, Vũ đứng lên đi về
phòng riêng. Chàng để nguyên quần áo nằm xuống giường, quay mặt nhìn
lên trần nhà. Ai mới nhìn qua cảnh sống hiện tại của Vũ cũng đều khen
ngợi, ước thầm. Chàng có địa vị trong xã hội, có tiền, lại vợ đẹp, con
khôn... Chàng hành nghề là có đầy đủ phương tiện hơn các bạn khác.
Nhưng có ai hiểu được lòng Vũ! Lúc nào chàng cũng cảm thấy khổ tâm
ngấm ngầm. Đây không phải là lần thứ nhứt chàng khó chịu vì câu nói vô
tình của vợ, mà đã nhiều lần rồi và chỉ biết nhận chịu một mình. Lỗi ấy
hoàn toàn không phải do Mộng Ngọc. Phần lớn là tại hoàn cảnh của chàng
và sự phản ứng bộc phát bất thường. Trước kia chàng không thể ngờ được
là mình sẽ phải khổ tâm về chuyện nhờ vả cha vợ để sang Pháp du học.
Nếu chàng không cưới Mộng Ngọc thì chuyện ấy cũng không quan trọng
gì? Đằng này lại khác. Cha chàng và ông Thiện buổi thiếu thời đều làm thư