-Vâng!
Vũ cười nói:
- Họ tạo ra những nơi lạ quá: hồ Than Thở, rừng Ái Tình... ở gần
nhau... Chắc yêu nhau, thề thốt với nhau trong cánh rừng kia rồi cùng nhau
ra đây than thở?
Ngọc Dung nhìn cha, gọi nhỏ:
- Ba!
Nàng ngập ngừng bẽn lẽn. Vũ mỉm cười tiếp lời:
- Mà con không thấy họ rắc rối sao? Tây hồi xưa, nó lập ra những chỗ
nầy là biết gợi đúng tâm hồn lãng mạn của lớp nam, nữ thanh niên trưởng
giả, ăn không ngồi rồi.
Ngọc Dung chận lời cha:
- Bộ "ăn không ngồi rồi” mới nghĩ đến tình yêu sao ba?
Vũ có cảm tưởng con gái mình sắp mở ra một mặt trận chống đối lại
cha trên quan điểm "ái tình"...
Chàng thấy mình cần phải dè dặt và uyển chuyển để khuyên giải con:
- Ba nói là phần đông như vậy, con à. Chỉ có lớp người trưởng giả mới
có quan niệm ái tình một cách cầu kỳ rắc rối. Người bình dân lao động
quan niệm tình yêu giản dị hơn nhiều. Không ai chịu khó phân tách lòng
mình một cách tỉ mỉ như:
Làm sao giải nghĩa được tình yêu?...
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.