tới hai mươi tuổi, ông vẫn luôn đổi khác. Ông giấu biến cái gậy đi,
rồi dùng những lời đường mật tán tỉnh họ bằng tiếng Yaqui.
“Ông ơi, sao ông lại nói tiếng Yaqui với họ?” tôi tò mò hỏi ông,
sau khi họ đã đi khỏi, hớn hở với những lời khen ngợi của cụ già,
những lời nói hẳn nhanh nhẹn hơn bước đi của ông. “Vì ngôn ngữ của
người Yaqui tựa như một dòng nước rất hiền hòa. Khi cháu nói với
đàn bà bằng thứ tiếng chảy mướt này, họ cảm thấy thích thú và
đòi được nghe lại. Cháu có biết vì sao người Yaqui rất thành công
với đàn bà và đàn bà không bao giờ bỏ được họ không? Nhờ có nước
đấy. Ai đã uống nguồn nước này thì không thể nào rời bỏ được. Và
quả thực nó ngon tuyệt vời. Ở đó, không có thứ nước này thì không có
chuyện tình yêu. Đã ba lần ông thử rời làng Yaqui, nơi người ta đưa
ông tới hồi còn nhỏ; ông không làm nổi. Thầy phù thủy ở làng ấy
thấy ông ngày càng héo hon nên mới bảo ông phải cố chịu khát
càng lâu càng tốt, nhờ vậy ông mới có thể quay về nhà. Độ khoảng
một tháng sau khi cha ông thương thuyết để người Yaqui giải phóng
cho ông.”
Một hôm, tôi hỏi ông rằng ông có thích tên mình không. Ông trả
lời tôi là chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Hình như nó chẳng khiến
ông bận tâm. “Điều duy nhất có lẽ sẽ làm ông khó chịu là việc tên
gọi đó không hề khiến một người đàn bà nào hài lòng. Song, cho tới
bây giờ, chưa thấy ai nói năng gì. Mà con người ta rồi cũng quen
hết với mọi sự thôi. Ông có một người bạn bị mọi người gọi là Chó.
Nếu là ông thì ông sẽ phát điên lên mất. Vậy mà cậu ta cũng quen
được với cái biệt danh ấy. Tất nhiên, người ta cũng không gọi ông
bằng tên thật; biệt danh của ông là Gà. Mọi người đặt cho ông cái tên
Amado này là để tưởng nhớ về một người bạn chí cốt của ông nội
Jamal của ông.”
Bốn năm trước khi mất, ông bị mắc chứng khó tiêu nặng, phải
nằm viện, và, do bị chẩn đoán sai, ông rơi vào tình trạng nguy kịch.