Với tôi, sự kiện quan trọng nhất trong cuộc gặp mặt hàng năm
của những người yêu sách và những người chuyên ngành xuất bản
không hề nằm ở những trang giấy in, mà là ở nơi các cơ thể, dưới
sức mạnh của âm nhạc, viết nên những câu chuyện khác.
Theo truyền thống, vào hôm khai mạc, ngay trước lúc nửa đêm,
ở
một nơi có tên là Salón Veracruz, mọi thứ đều nhường chỗ cho
nhịp điệu, với hai dàn nhạc xứ Caribê và đám đông những người
khiêu vũ, trong đó có một số người hưng phấn phô bày các khả
năng hiếm có của mình, số khác thì ngược lại, bằng lòng với
những vòng quay nhẹ nhàng, gần như đứng yên tại chỗ, song cũng
không kém phần ấn tượng. Bởi lẽ với đám người đang nhảy - dù
mãnh liệt hay kiềm chế -, thì mỗi giây phút cũng đều là duy nhất
và vĩnh cửu. Trong khiêu vũ cũng như trong tình yêu, không có điều
gì chỉ dừng lại ở cái tưởng chừng như thế, mọi thứ đều kéo dài,
không phải trong thời gian thực, mà ở ngay trong bản thân chúng ta.
Không có gì ngạc nhiên khi thấy khiêu vũ khiến những người
Mộng du xáo động, bởi họ chính là những nốt nhạc của một bản dạ
khúc đầy tĩnh lặng và bay bổng trữ tình thuần khiết da diết. Và
cũng không có gì ngạc nhiên khi phần lớn trong số họ đều yêu
thích nhịp điệu, niềm say mê do nhịp điệu tạo ra thoạt tiên lan đến
bàn chân và eo lưng rồi sau đó lan tỏa vào đầu.
Những người Mộng du thả lỏng hoàn toàn cơ thể trong tiếng
nhạc, và lúc khiêu vũ, họ say sưa với những cơn cuồng nhiệt nơi cơ
thể mình. Họ có thể phân biệt rõ ràng, giữa âm thanh của các nhạc cụ
khác nhau, những tiếng thì thầm giống như một đàn ong rúng
động ấy dày đặc tới nỗi chúng khiến thân của các nhạc cụ rung lên.
Để nhận ra những người Mộng du như mình - những người nhảy
theo sở thích hơn là theo quy tắc -, tôi tận dụng vài thuận lợi hiếm
hoi của chứng cận thị. Không có kính, những đường viền mờ đi,