Quá trình tạo ra một cấu trúc đổi mới có thể cung cấp cho tổ chức
nguồn năng lượng, cảm xúc và trí tuệ để hiểu rõ hơn về cuộc hành trình đi
tới đích cuối cùng. Nó tạo ra một con đường chung bằng cách huy động sự
tham gia của mọi người trong công ty. Vai trò của đội ngũ quản lý cấp cao là
chỉ đạo quá trình này, không chỉ tập trung trong một nhóm nhỏ và đưa ra
chiến lược riêng của mình. Cuối cùng, cấu trúc đổi mới liên tục được thử
nghiệm, chỉnh sửa trong một thế giới mà mọi thứ luôn biến động không
ngừng.
Tạo ra một cấu trúc đổi mới không phải chỉ là công việc mang tính tư
vấn điển hình với một báo cáo tổng kết về những gì công ty của bạn nên
làm. Nó là một quá trình tạo ra cái nhìn sâu sắc và mang tính chia sẻ về
tương lai công ty bạn − có sự tham gia của tất cả những người có khả năng
biến quá trình này thành hiện thực. Hơn nữa, nó tạo điều kiện sử dụng tài
năng và nguồn lực vẫn chưa được khai thác như đại diện một công ty trong
ngành dược phẩm nhận xét, “Sự tham gia của hàng trăm nhân viên ở mọi
cấp cho phép quản lý cấp cao khám phá ra những tài năng tiềm ẩn mới.”
Đôi khi chúng ta sử dụng một cấu trúc đổi mới để hỗ trợ xây dựng các
chiến lược cần thiết cho tương lai của tổ chức (ví dụ, Nokia), đó là, ba hoặc
bốn định hướng về việc Nokia tái cơ cấu tổ chức và những quy luật của
ngành công nghiệp này trong vòng vài năm tiếp theo. Đó là thời điểm quy
trình cấu trúc đổi mới được sử dụng để xác định và chọn lọc các chủ đề đổi
mới có khả năng “khai phá cơ hội” cho công ty trong một sự tăng trưởng
mới − có nghĩa là, một lĩnh vực các cơ hội đã được trụ sở, hoặc đơn vị kinh
doanh hay một bộ phận của công ty xác định trước.
Trong mỗi trường hợp này, việc tạo ra một cấu trúc đổi mới giúp khách
hàng xác định được trọng tâm nhu cầu, xây dựng quan điểm, chia sẻ về các
cơ hội trong tương lai, sàng lọc và sắp xếp các ý tưởng, cung cấp một logic
chặt chẽ cho những nỗ lực đổi mới để tạo ra sự thống nhất và củng cố lẫn
nhau.