Cơ hội chạy marathon cần xây dựng chậm hơn. Phải mất vài năm để có
được công nghệ cũng như mô hình kinh doanh đúng đắn, hoặc để hình thành
trong ý thức cộng đồng trước khi ý tưởng được thực hiện. Hãy suy nghĩ về ti
vi có độ nét cao, liệu pháp thay thế gen, phần mềm nhận diện giọng nói, hay
ô tô sử dụng nhiên liệu cell-propelled, những ý tưởng đã phải đối mặt với
những khó khăn và thử thách lâu dài. Cũng có khái niệm sản phẩm cấp tiến
và mô hình kinh Freemium được xếp vào hạng mục này, ví dụ như
Nespresso (Hệ thống cà phê hòa tan của Nestle) hoặc chuỗi siêu thị hữu cơ
Whole Foods Market, cả hai cơ hội này đều phải mất hàng thập kỷ để thực
hiện.
Tất nhiên, sau khi kết quả rõ ràng thì cũng không quá khó để phân biệt
cơ hội nào là chạy nước rút hay chạy marathon. Tuy nhiên, trong giai đoạn
đầu, các công ty thường khó phân biệt được đâu là chạy nước rút và đâu là
chạy marathon, để đánh giá liệu ý tưởng kinh doanh mới sẽ có thể được thực
hiện nhanh chóng hay cần nhiều thời gian để thâm nhập thị trường. Kết quả
là họ sẽ nhận thấy mình đã đầu tư quá nhiều quá nhanh − chạy marathon tới
thị trường với một ý tưởng hoàn toàn mới, hoặc trái lại đầu tư quá ít và quá
muộn − theo đuổi cơ hội khi nó bị dồn vào đường cùng bởi đối thủ cạnh
tranh và có rất ít cơ hội để bắt kịp.
Làm thế nào bạn có thể phát hiện ra quy mô và tốc độ tối ưu để đầu tư
nguồn lực vào một cơ hội cụ thể? Câu trả lời là hãy chú ý tới các nhân tố bên
ngoài giúp đẩy nhanh khung thời gian thương mại hóa một ý tưởng mới hoặc
giảm nó xuống một cách đáng kể.
Khi đánh giá một cơ hội mới, bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi
nhằm tìm kiếm sự thật sau:
• Có những trở ngại đáng kể nào về mặt kỹ thuật cần vượt qua không?
• Thị trường có phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ bổ sung không?
• Có cần đến một cơ sở hạ tầng mới cho thị trường này không?