Nhiều công ty khác cũng đưa đổi mới vào chương trình làm việc của
mọi người bằng cách cho phép nhân viên lên kế hoạch thời gian linh hoạt
cho tư duy sáng tạo. Công ty 3M áp dụng “nguyên tắc 15%” nổi tiếng cho
phép nhân viên dành 15-20% thời gian làm việc để thực hiện dự án cá nhân
của họ đồng thời được phép sử dụng các nguồn lực của công ty. Và W. L.
Gore thì có một ngôi nhà cải cách − nơi mọi người có thể dành 10% thời
gian để “thử nghiệm” những ứng dụng mới bằng chính những nguyên liệu
độc đáo của công ty.
Ví dụ, Dave Myers làm việc cho một phân xưởng sản xuất thiết bị y tế
ở Flagstaff, bang Arizona, nơi ông được hỗ trợ để sáng chế ra một loại ống
cấy vào tim bằng nhựa mới. Ông đã làm gì trong 10% thời gian cho những ý
tưởng mới? Myers hàn những bánh răng trong cho chiếc xe đạp leo núi của
mình, bọc dây phanh bằng nhựa để chúng vận hành trơn tru hơn. Những thử
nghiệm này đã đưa đến sự phát triển của dây phanh xe đạp Ride-On phổ biến
của hãng Gore. Sau thành công này, Myers lại tự hỏi sao lại không bọc dây
đàn bằng nhựa. Kết quả của câu hỏi này là Elixir – giờ trở thành thương hiệu
dây đàn điện tử bán chạy nhất, chiếm 35% thị phần trong một lĩnh vực hầu
như không có bất kỳ sự đổi mới nào nổi bật trong hàng chục năm.
Google tạo “băng thông” cho đổi mới theo công thức “70/20/10”: tức là
nhân viên sẽ dành 70% thời gian thực hiện công việc chính ở công ty, 20%
cho những dự án chiến lược mới (như Google News, Google Earth, Google
Book Search, Google Checkout, và Google Apps), còn 10% để họ thực hiện
những dự án nhỏ − là bất kỳ điều gì khiến họ hứng thú. Những dự án nhỏ
này sẽ có cơ hội lọt vào danh mục “Top 100 Dự án nhỏ” do hai nhà sáng lập
Larry Page và Sergey Brin lập nên. Những dự án nhỏ này đã là bệ phóng cho
rất nhiều dịch vụ hiện thời của công ty.
Nếu đánh giá trung thực, bạn có dám khẳng định rằng mình đã dành
cho mọi người trong công ty thời gian và không gian cần thiết để họ “tập
luyện cơ bắp” đổi mới không?