3. XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHO SỰ
HIỂU BIẾT CHIẾN LƯỢC MỚI
Steve jobs, Richard Branson, Bill Gates, James Dyson, Micheal Dell là
những nhà cải cách và doanh nhân xuất sắc. Với họ, đổi mới và làm giàu
dường như là một việc tự nhiên, là “phản xạ”, như cách nói của Gary
Hamel. Quan niệm truyền thống coi đổi mới là “lãnh địa sáng tạo riêng”
của các thiên tài đổi mới và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp − những người
dường như có luồng “xung điện” hoàn toàn khác biệt so với chúng ta, khiến
họ có khả năng đổi mới theo những cách mà các công ty bình thường khó
có cơ may theo kịp.
Rõ ràng trực giác và kỹ năng sáng tạo – cũng như sự ngẫu nhiên là một
phần của phương trình đổi mới. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể
tháo gỡ quy trình đổi mới một cách chính xác bằng cách tìm hiểu kỹ tư duy
của những người đổi mới? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể khai phá
“chiếc hộp đen” bí ẩn và nhìn xuyên thấu cơ chế hoạt động của nó? Điều gì
sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tìm hiểu cách các nhà cải cách đưa ra ý tưởng
đột phá; cách họ xác định cơ hội, chiến lược; cách họ nhận ra thế giới sẽ
phải (hoặc không phải) khác đi, trong khi những người khác thì không?
Quan trọng hơn cả, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đảo ngược thứ tự của quy
trình này, cho phép chúng ta biến sự mơ hồ thành một việc có hệ thống?
Chương này sẽ trả lời cho những câu hỏi trên. Chương này cũng sẽ
miêu tả cách thức các tổ chức – không chỉ là từng cá nhân tài năng – trở
thành tổ chức đổi mới liên tục bằng cách tìm ra những hiểu biết mới mẻ mà
người khác không chú ý tới.
Bốn “Lăng kính” của đổi mới