cái tên Nguyễn Vi nên vẫn giữ nguyên.
Người cảnh sát điều tra dò xét cô, hỏi: “Rốt cuộc tên cô là gì?”
“Từ năm mười tuổi, tôi được nhận nuôi nên chứng minh thư mang tên bố
nuôi đặt cho.” Không thể nói rõ ràng, Nguyễn Vi đành giải thích đơn giản.
Đối phương còn hỏi cô nhiều vấn đề, gồm cả cuộc sống riêng của
Nghiêm Thụy. Cô thật sự nghĩ không ra anh đã đắc tội với ai nên cảnh sát
đành nhắc cô: “Nạn nhân không bị mất đồ, hiện trường cũng rất sạch sẽ,
chứng tỏ đây không phải là vụ cướp ngẫu nhiên. Có người biết lộ trình đi
làm và vị trí đỗ xe của anh ấy, còn tìm hiểu cả phạm vi của camera giám sát.
Tất cả những điều này cho thấy đây là một vụ trả thù, cô hãy nghĩ lại đi.”
Nguyễn Vi nhìn chằm chằm cửa phòng phẫu thuật, lời muốn nói đến cổ
họng lại bị nuốt xuống. Nghiêm Thụy chẳng có mối tư thù nào, nhưng cô
thì có.
Cảnh sát hỏi một lượt vẫn chẳng tìm ra manh mối, đành về tiếp tục điều
tra. Nguyễn Vi không biết ca mổ bao giờ mới kết thúc, may mà nghe nói
Nghiêm Thụy không nguy hiểm đến tính mạng. Cô tựa vào tường, hít một
hơi sâu, cố gắng trấn tĩnh. Cảm thấy ngạt thở, cô từ từ ngồi xổm xuống, bóp
cổ tay một lúc mới đỡ.
Thấy cô lo lắng đến vã mồ hôi, một nữ hộ lý trung niên có lòng tốt rót
cho cô cốc nước, mở miệng an ủi: “Người không sao là tốt rồi. Thời buổi
bây giờ, đi đường cũng chẳng an toàn. Hai hôm trước tôi còn gặp trường
hợp xui xẻo hơn, thang máy tự nhiên bị đứt dây rơi xuống.”
Nguyễn Vi đứng dậy cảm ơn. Người hộ lý nói tiếp: “Người ở trong kia là
chồng cô đúng không? Nghe nói cậu ấy là giảng viên đại học, sao có thể
xảy ra chuyện này? Hình như không phải tình cờ, chắc là cậu ta gây phiền
phức gì đó. Cô hãy nghe tôi, nhớ hỏi cho rõ ràng, đàn ông…”