Diệp Tĩnh Hiên thản nhiên đáp ngắn gọn: ‘Tôi không rảnh.”
Đến trước bữa tối, Hội trưởng ba lần sai người đến, lần nào cũng một
câu: mời Đại đường chủ qua gặp. Ở lần thứ ba, Diệp Tĩnh Hiên vừa kết thúc
cuộc điện thoại, đầu kia nói Ma Nhĩ đã phẫu thuật xong, đợi tan hết thuốc tê
sẽ đưa về. Lúc này, anh mới có thời gian cùng Phương Thạnh đi gặp Trần
Dữ.
Kính Lan Hội là một bang hội lâu đời, rất coi trọng nề nếp truyền thống.
Kính Lan Hội là do nhà họ Trần làm chủ, cho đến đời Hội trưởng quá cố.
Hội trưởng không con cái, chỉ có hai cháu trai ruột là Trần Phong và Trần
Dữ. Anh em Trần Dữ tuổi nhỏ chưa nên người, Hội trưởng đành giao bang
hội cho con trai nuôi quản lý, chính là Hoa tiên sinh trong truyền thuyết.
Bởi vì điều này, Kính Lan Hội đã âm thầm diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ
giành quyền thống trị. Cuối cùng, Hoa tiên sinh qua đời vì bệnh tật, Trần
Phong cũng chết trong cuộc phản biến. Trước khi qua đời, Hoa tiên sinh
quyết định giao lại Kính Lan Hội cho Trần Dữ. Tuy nhiên, ai cũng biết một
sự thật, nếu Trần Dữ không phải họ Trần thì chẳng đến lượt anh ta ngồi lên
ghế Hội trưởng.
Chỗ ở của Trần Dữ vẫn là nơi sinh sống của mấy đời nhà họ Trần, vừa
rộng rãi vừa thông thoáng. Khu nhà này không có tên, ngoài cổng chỉ có
tấm biển khắc tên người sáng lập Kính Lan Hội. Bao năm trôi qua, miếng
gỗ đã bị mục, nhìn không ra con chữ ban đầu. Tuy nhiên, người nhà họ Trần
không động đến nó, thậm chí còn đặt tên khu nhà này là “Hủ viện”.
(*)
(*) “Hủ” có nghĩa là mục nát
Diệp Tĩnh Hiên đi vào bên trong, dừng lại trước cánh cửa chạm khắc tinh
tế. Có người ngăn anh lại, kêu đợi thông báo với Hội trưởng đã. Anh liền
đẩy người đó sang một bên, nói: “Khỏi cần.”