những người hành khất mù loà, cũng thấy nỗi thống khổ của nhân dân tôi,
mà tôi yêu quý hơn hết thảy trên đời - điều này giờ đây tôi thấm thía lắm.
Thuở ấy, cả một vùng đây là thiên đường đối với dân tộc học, mặc dù
truyện cổ, nhất là truyền thuyết, vốn dĩ là những sản phẩm ít ổn định nhất
của sáng tác dân gian, cũng đã bắt đầu lẩn khuất dần, ngày một sâu hơn,
vào rừng rậm hoang dã.
Nhưng cả những nơi ấy, tôi cũng đã từng đến, tôi có đôi chân trẻ khoẻ và
cả tấm lòng khao khát kiến thức cũng đang độ trẻ trung. Tôi đã được chứng
kiến biết bao điều mới lạ!
Tôi từng được xem tục buộc bó lúa, kỳ lễ giáng sinh, rồi cả trò “thằn lằn”
mà ngày ấy cũng đã ít gặp. Nhưng nhiều hơn cả, tôi đã từng thấy củ khoai
cuối cùng trong nồi, miếng bánh đen đủi như củ đất, tiếng “ê-ê-a” ngái ngủ
trên miệng nôi, những cặp mắt to sâu, khóc đã cạn lệ của các bà mẹ, các
chị.
Đó chính là Bêlôruxia thuở chính giáo xa xưa!
Đó là xứ sở của những thợ săn và dân du mục, của những người lấy nhựa
cây, của tiếng chuông nhà thờ êm ả vọng từ xa xôi, ngân nga trên đầm lầy ;
đó là xứ sở của những người hát rong và bóng tối.
Chính vào thời ấy, quá trình thoái hoá của tầng lớp sliăcta ở Bêlôruxia ta
- một quá trình bệnh hoạn kéo dài – đang đi đến chỗ kết thúc. Sự chết mòn
ấy, sự thối rữa ngay khi đang còn sống sờ sờ đấy, đã kéo dài dằng dặc gần
hai thế kỷ.
Và nếu như ở thế kỷ 18 tầng lớp sliăcta chết dần mòn một cách ầm ĩ, với
những cuộc đấu gươm, đọ súng, ăn ngủ trên ổ rơm sau khi đã tiêu xài đến
khuynh gia bại sản, nếu như vào đầu thế kỷ mười chín sự chết mòn vẫn còn
thoảng nỗi buồn êm dịu vấn xương quanh những tòa lâu đài rêu phong ẩn
sâu trong các khu rừng bạch dương thì vào thời buổi chúng tôi nó chẳng
còn nên thơ, chẳng còn đượm buồn, mà chỉ kinh tởm, nhiều khi trần trụi
đến ghê rợn.