già lắm, lá rụng gần hết. Phía sau nhà có một vườn cây ăn quả, sau vườn là
một vạt ruộng mới cày.
Có lẽ tôi đến hơi muộn, vì trong nhà đã ồn ào nhiều giọng nói. Tôi được
đón tiếp rất nồng hậu.
– Ôi Cha mẹ ôi! Chư vị thánh nhân tuẫn tiết ôi! - Đubôtôpkơ hét oang
oang. – Vậy là cũng đến nơi rồi kia, đứa con lạc đàn đến rồi. Mời vào bàn
mau, Antôxơ, bay đâu rồi, cái quân tay chiêu đập niêu không vỡ? Một cốc
đầy mời khách “Khởi động”, mau! Một lũ quỷ sứ, quên cả chào thượng
khác, một cốc mừng khách xuống ngựa, cũng quên nốt. Ôi cái lũ ngu độn...
Ngồi quanh bàn tiệc có chừng mươi người, toàn đàn ông, trong đó đã
quen biết tôi chỉ có Xvetilôvich, Alêxi Vôrôna và Xtakhốpxki. Hầu như tất
cả đã chuếnh choáng hơi men, và không hiểu tại sao đều ngắm nghía tôi hơi
quá chăm chú. Bàn tiệc đầy đồ ăn thức uống: rõ ràng Đubôtôpkơ là một
điền chủ quý tộc giàu có trong vùng. Tuy nhiên, sự sung túc của ông ta
cũng chỉ tương đối. Đồ ăn thức uống có thừa, nhưng nhà cửa, xét theo
những gian phòng tôi đã đi qua, bầy biện không thuộc loại sang trọng.
Tường quét vôi trắng, cửa chớp đều chạm trổ và sơn màu sặc sõe, bàn ghế
giường tủ đều cổ, nặng nề và không lấy gì làm đẹp lắm. Nếp sống điền chủ
quý tộc tỉnh lẻ lộ ra khắp xó xỉnh. Trong phòng ăn không bày biện gì ngoài
một chiếc bàn gỗ sồi to rộng, những chiếc ghế bành kiểu gai óng mượt,
màu xanh, hai chiếc ghế bành kiểu Đanzich bọc da dê màu vàng, và một
tấm gương đứng ba mặt, khung màu nâu trang trí cảnh thành phối với
những nóc quả bồng của các nhà thờ. Các vị khách ăn mặc lòe loẹt vẫn mải
tò mò ngắm nhìn tôi.
– Sao lại trố mắt ra cả lũ thế kia? – Đubôtôpkơ quát to. – Chưa được thấy
người kinh đô bao giờ hay sao, hở lũ gấu rừng? Nào, tiếp đồ ăn cho khách
quý đi, tiếp nhiều vào, tùy khẩu vị mỗi anh.
Những cái mõm xồm xoàm nhăn nhở cười, những cẳng tay bắt đầu động
đậy. Chỉ một loáng, trên đĩa tôi đã ngự cả một chú ngỗng to tướng, tần với
nước sốt việt quất, một cái tỏi gà tây hấp táo, nấm muối chua, chục chiếc
bánh khoai nhân thịt, vậy mà khắp tứ phía vẫn tiếp tục những lời mời mọc!