– Bánh xèo với tỏi nữa này... Xin mời pan nếm thử một miếng chân giò
lợn rừng tẩm ớt, cay xé miệng đây. Xin thề mồ ma cụ bà tôi – ngon tuyệt...
Đây nữa, nhất hạng... Đây nữa này, ngon thượng hảo hạng...
Đó, ở quê Bêlôruxia ta, đãi khách như vậy đó, - chủ nhân cười ha hả khi
thấy tôi bối rối.
Cả một núi thức ăn mọc lên trước mặt tôi. Tôi cố chối từ, nhưng chỉ làm
cho các vị khách rầm rầm phản đối (một vị còn nhỏ cả mấy giọt nước mắt
nữa, tuy nhiên, ông ta đã say mềm). Tôi đành khuất phục.
Anh chàng Antôxơ bưng ra trên khay một bình rượu “khởi động”. Tửu
lượng tôi vào loại khá, vậy mà tôi vẫn phát hoảng. Trong bình có đến cả
một chai thứ nước vàng vàng trong vắt.
– Tôi chịu thôi.
– Chịu là thế nào? Chỉ có gái tơ mới “Chịu thôi”, nhưng cô ả cũng lại
đồng ý ngay ấy mà.
– Nhiều quá, pan Đubôtôpkơ ạ.
– Nhiều, ấy là khi có ba mụ vợ trong một nhà cơ, mà cũng còn tùy xem
đối với thằng chồng nào... Ê – ê, anh em ơi, người ta khinh anh em ta.
Thỉnh cầu thượng khách đi chứ!
– Chúng tôi xin ngài... Xin mời ngài, - các quan khách há hốc những
mõm gấu đồng thanh gào lên!
Tôi đành phải uống cạn. Rượu vào như thiêu đốt hết ruột gan tôi, mắt nổ
đom đóm, đầu óc quay cuồng, nhưng tôi cố không nhăn mặt.
– Quả xứng mặt trượng phu!
– Rượu gì vậy? – nuốt chửng một miếng chân giò to tướng, tôi hỏi.
– Hô! Biết rượu xtacka Ba Lan, biết vôtka Nga, biết cả xpôtưkat
Ukraina, mà lại không biết “tơrít Livinirit” xứ ta. Cái của này, anh bạn trẻ
ạ, theo tiếng Litva là “ba lần chín”, tức vôtka ngâm hai mươi bảy vị cỏ
thuốc. Dân ta lấy được bí quyết rượu này của bọn Litva từ mấy thế kỷ trước
đây kia. Ngày nay chính bọn Litva đã quên biến bí quyết ấy rồi, nhưng dân