– Xin tiểu thư thứ lỗi cho tôi là đã làm cho tiểu thư quá xúc động. Tôi tự
nhận thấy đã làm cho tiểu thư khó chịu. Bao giờ tôi sẽ phải đi khỏi đây?
Tôi nghĩ tốt nhất là ngay bây giờ.
Gương mặt nàng lại một lần nữa nhăn nhó.
– Trời, vấn đề đâu phải như vậy. Không nên đâu, Ngài sẽ xúc phạm tôi
thật sự nếu bỏ đi ngày bây giờ. Hơn nữa – giọng nàng bỗng run run: - Ngài
sẽ thấy sao nếu như tôi mạo muội yêu cầu ngài, ngài hiểu tôi nói chứ ạ, tôi
yêu cầu ngài ở lại đây, ở lại tòa nhà này độ vài ba tuần? Tóm lại là ở đây
cho đến khi hết những đêm thu tối trời?
Ánh mắt nàng bỗng trở lên đờ đẫn. Làn môi hé một nụ cười thảm hại.
– Sau đó, tuyết sẽ rơi. Và trên tuyết sẽ có dấu vết. Tất nhiên, tùy ngài
định đoạt. Nhưng tôi sẽ lấy làm phiền lòng nếu như người đời sẽ chê là đại
diện cuối cùng của dòng họ Janôpxki đã quên mất lòng mến khách cổ
truyền.
Nàng đã nói đúng những lời như vậy –“đại diện cuối cùng của dòng họ
Janôpxki” – cái cô bé gái mới mười tám tuổi đầu ấy, khiến lòng tôi bỗng tự
dưng đau nhói.
– Thôi cũng đành – nàng nói tiếp – nếu như ngài đã quan tâm những câu
chuyện tục tĩu ấy, thì tôi đâu dám phản đối. Có những người còn sưu tầm cả
rắn độc nữa kia mà. Tôi xin nói trước là ngài đã đến một xứ sở của truyền
thuyết đấy. Ở đây hồn ma bóng quỷ còn nhiều hơn cả những người đang
sống. Đám nông dân bị sốt rét hành hạ quanh năm, kể những câu chuyện
thực ly kỳ và rùng rợn. Họ sống bằng rau cỏ với cháo kiều mạch lần hồi
cùng trí tưởng tượng. Ngài không thể ngủ lại trong các túp lều của họ, ở đó
bẩn thỉu chật chội, đầy ổ bệnh sốt rét. Ngài cứ đi các trại quanh đây, trả cho
họ vài xu để họ mua bánh mỳ hay rượu vôtca giúp sưởi ấm giây lát dòng
máu đã lạnh ngắt vì sốt rét, thế là họ sẽ kể tất cả. Còn đến chiều tối thì ngài
lại trở vè đây. Trong tòa nhà này luôn luôn có món ăn, nệm và lửa ấm lò
sưởi chờ ngài. Xin ngài nhớ cho rằng ở đây tôi là nữ chủ, nông dân nghe lời
tôi. Ngài bằng lòng chứ?