loạn:
– Ngài không thấy rằng thiếp yêu thương ngài sao! Ngài không thấy
rằng thiếp hiến dâng cho chàng mối tình âu yếm nóng bỏng của lòng
thiếp và những sự mơn trớn của tấm thân thiếp sao! Ngài không muốn
thấy gì cả sao! Ngài không nhận thấy rằng từ ba tháng nay thiếp theo
dõi ngài từng bước như là cái bóng trung thành của ngài sao!
– Thưa phu nhân... Xin bà làm ơn, hãy tỉnh ngộ lại...
– Ngài có hiểu tại sao thiếp lìa bỏ La Mã, ba tòa dinh thự, và những
thi sĩ, nghệ sĩ của thiếp, tất cả dân chúng đang tôn sùng thiếp! Ngài có
hiểu tại sao thiếp đi theo Jean Davila đến Venise? Là vì thiếp đã thoáng
thấy ngài năm rồi lúc ngài đến đó với tư cách sứ thần bên cạnh đức
giáo hoàng! Ngài có hiểu tại sao thiếp đã xây dựng tòa dinh thự này ở
trên sông Đại Giang? Là vì từ nơi đây, mỗi ngày thiếp có thể trông thấy
chiếc du thuyền của ngài đi ngang qua! Ngài có hiểu tại sao thiếp đã
tiêu pha hàng triệu đồng để trang hoàng chỗ ở này? Là vì thiếp hy vọng
biến nơi này thành ra thiên đường cho tình yêu của chúng ta! Hỡi
Roland! Roland! Thiếp đọc thấy trong đôi mắt của ngài sự khinh bỉ ghê
gớm xiết bao...
Tôi không khinh bỉ phu nhân, tôi chỉ ái ngại cho bà...
– Chàng ái ngại cho thiếp! Thiếp thích sự khinh bỉ của chàng hơn...
Nhưng mà không! Chàng hãy ái ngại cho thiếp! Phải, chàng có thể ái
ngại cho thiếp! Bởi chưa bao giờ nỗi bất hạnh lại đến với thiếp như bây
giờ, bởi vì chưa bao giờ lại có mối tình nào tuyệt đối hơn là mối tình
của thiếp! Hãy ái ngại cho thiếp! Bởi đó là những sự giày vò và đau
đớn đáng ghê sợ đang làm thiếp hao mòn, bởi đó là những con bạch
tuộc của lòng ghen tuông đang quấn chặt và đang cấu xé thiếp khi thiếp
nghĩ đến người được chàng yêu thương, nàng Léonore đó, đang...
– Kẻ khốn nạn đáng thương! – Roland hét lên. Mặt chàng tái mét,
bàn tay chàng giơ lên như phẫn nộ kẻ đang xúc phạm đến người phụ nữ
mà mình tôn sùng... Bàn tay đó nặng nề buông xuống.
– Vĩnh biệt, phu nhân! – Bất ngờ chàng nói với giọng biến đổi.