Tiếp theo hàng loạt các tờ báo và tạp chí yêu cầu tôi viết và gửi bài. Tôi
từ chối như đã từng làm, tôi biết cái gì đã xảy ra nếu tôi viết tất cả sự thật,
phơi bầy tất cả những gì tôi chứng kiến, họ sẽ buộc tội tôi kẻ hữu khuynh,
trí thức tư sản. Tất nhiên tôi không thể nào viết sai sự thật, cũng chẳng
muốn ca ngợi sự độc quyền và phủi tay trước những hành động tội ác man
rợ mà tôi làm nhân chứng.
Cũng tất nhiên tôi chẳng muốn những ký ức sau 22 năm với Mao bị phai
mờ theo năm tháng và tuổi tác, tôi quyết định viết lại những chuyện đã xảy
ra trong đời. Năm 1977 tôi bắt đầu viết, không thường xuyên, nhưng cũng
đến vài chục cuốn vở viết. Ngôn từ của Mao thật phong phú, sinh động
khắc sâu trong nếp nghĩ tôi. Tôi cố hồi tưởng lại những gì Mao đã từng phát
biểu. Sự sống còn của tôi và gia đình tuỳ thuộc vào việc làm của Mao, tôi
chẳng bao giờ quên. Tôi chẳng bao giờ hy vọng cuốn sách sẽ được xuất
bản, vì tôi biết không có nhà xuất bản nào dám in. Tôi chả dại gì mang vạ
vào thân khi tự mình xuất bản. Tôi viết chẳng qua để hồi tưởng những ngày
đã qua, tôi và Lý Liên đã từng trải nghiệm.
Tháng Hai 1988, Lý Liên bị phát hiện chứng viêm thận mạn tính, phải
vào viện tháng 5, đến tháng Bẩy tình trạng càng xấu. Hai thằng con trai,
John và Erchong cùng vợ con nó đang định cư ở Hoa Kỳ từ đầu thập niên
1980 yêu cầu tôi khẩn cấp đưa Lý Liên sang Mỹ điều trị.
Tháng Tám, tôi, Lý Liên và đứa cháu gái, Lý Linh, sang Chicago. Trong
thời gian Lý Liên chữa bệnh, tôi ở bên lo liệu chăm sóc món ăn kiêng và
thuốc thang. Cũng trong thời gian này, Lý Liên thúc giục tôi viết từ những
gì ghi chép trong nhật ký, nhưng tôi không thể làm được vì chẳng còn tâm
trí.
Đến tháng Mười hai, Lý Liên bị cảm, tình trạng sức khỏe càng tồi tệ. Tôi
đưa Lý Liên vào viện, làm tất cả những gì có thể nhưng nhà tôi không qua
được, vĩnh biệt ngày 12-1-1989.
Trước khi hôn mê, nhà tôi nhắc đi nhắc lại cố gắng viết kể lại những
chuyện xảy ra trong 40 năm qua. Nhà tôi nhấn mạnh: