để thấy chúng không có "ngã". Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể giảm bớt
chấp thủ. Nếu chúng ta không hiểu biết với tâm chánh niệm tỉnh giác thật
sự, thì việc tu tập của chúng ta sẽ không thể đưa chúng ta ra khỏi khổ
đau, phiền não.
Mọi nhiễm ô được liệt kê trong danh sách mười sáu nhiễm ô khó bỏ
cho được. Tuy nhiên, không phải tất cả mười sáu cái đều khởi lên cùng
một lúc, mà mỗi lúc chỉ một cái. Nếu ta biết đặc điểm khởi sinh của
chúng, ta có thể buông bỏ chúng. Vì thế, bước đầu tiên là phải nhận diện
được bộ mặt của chúng cho rõ ràng, vì ta phải biết rằng mỗi khi phát
sinh, chúng nóng rực. Nếu chúng khiến ta buồn hay bực bội, thì dễ biết
chúng. Nếu chúng khiến ta vui sướng, thì ta khó khám phá ra chúng hơn.
Vì thế trước hết ta phải rèn luyện để nhận ra tâm ở trạng thái bình
thường, giữ lời nói và hành động của ta cũng ở trạng thái bình thường.
"Bình thường" ở đây có nghĩa là không ưa, không ghét. Đó là vấn đề đạo
đức trong sạch cũng như khi ta tu tập chế ngự các căn. Trạng thái bình
thường là nền tảng cơ bản. Nếu tâm không ở trạng thái bình thường nếu
nó thích cái này hay ghét cái kia có nghĩa là sự kiềm chế các căn của ta
chưa được thuần khiết. Ví dụ, khi mắt ta thấy một hình sắc hay tai nghe
một âm thanh, ta sẽ không cảm thấy bực bội nếu như không có cái đau
nào thực sự phát sinh, nhưng nếu ta lơ đãng, không chú tâm thì khi cái
đau càng lúc càng tăng, giới hạnh của ta sẽ bị ảnh hưởng, và cuối cùng ta
sẽ bị kích động dữ dội.
Vì thế đừng xem thường ngay cả những thứ nhỏ nhặt nhất. Hãy
dùng chánh niệm tỉnh giác để phá vỡ, diệt trừ nhiễm ô, và tiếp tục công
việc quán sát. Rồi nếu như có biến cố nghiêm trọng nào xảy ra, ta vẫn có
thể buông bỏ được. Nếu ta có chấp thủ nặng nề, ta vẫn có thể xả bỏ. Nếu
có nhiều phiền não, ta vẫn có thể làm chúng giảm bớt.
Điều này cũng đúng đối với các uế nhiễm ở bậc trung: Năm Triền
Cái. Bất cứ sự ham thích nào về sắc, thanh, hương, vị và xúc là dục tham
triền cái. Nếu ta không thích cái ta thấy, nghe, vân vân, thì đó là sân triền
cái. Các triền cái ưa, ghét này làm tâm bị phiền não, khiến nó xao động
và tán loạn, không thể trở nên yên tĩnh được. Hãy cố gắng quan sát tâm
khi tâm bị năm triền cái chế ngự để xem thử tâm có ở trong trạng thái
đau khổ hay không. Ta có nhận ra các uế nhiễm bậc trungnày không khi
chúng xâm lấn tâm ta?
Dục tham triền cái giống như thuốc nhuộm màu làm vẩn đục nước
trong, khiến nước đục ngầu và khi tâm mờ đục, nó khổ đau. Sân triền cái
là sự cáu kỉnh và không bằng lòng, hôn trầm và thụy miên triền cái là
trạng thái buồn ngủ, hôn trầm -một trạng thái không muốn đối phó với
bất cứ chuyện gì, chỉ vùi đầu vào trong giấc ngủ với sự quên lãng rã rượi.