Tất cả các triền cái, kể cả cặp cuối cùng -trạo hối và hoài nghi- bao phủ
tâm trong bóng tối. Đây là lý do tại sao ta phải kiên cường đánh đuổi
chúng đi, và truy nguyên chúng để ta có thể làm suy yếu và loại bỏ tất cả
mọi uế nhiễm, từ cái thô đến cái vừa vừa, rồi đến cái vi tế.
Việc hành Pháp là một trách vụ rất tinh tế, đòi hỏi ta phải dùng tất
cả chánh niệm tỉnh giác của bản thân để quán sát, tìm hiểu thân tâm. Khi
quán thân, cố gắng thấy được chân lý vì sao thân vô thường, đau khổ và
không gì hơn là các yếu tố vật chất. Nếu ta không quán niệm như thế, thì
sự tu tập của ta chỉ là dò dẫm loanh quanh, sẽ không thể giúp ta thoát
khổ đau, phiền não - vì những khổ đau do nhiễm ô tạo dựng trong tâm
nhiều hơn ta tưởng. Tâm có đủ bao mánh khóe. Đôi khi ta có thể đạt
được đôi chút hiểu biết sâu sắc nhờ chánh niệm tỉnh giác -trở nên sáng
suốt, trống không, và an lạc- để rồi nhiễm ô len lỏi vào phá hỏng mọi
thứ, và một lần nữa lại bao phủ tâm trong bóng tối dày đặc.
Mỗi người chúng ta phải tìm chiến thuật đặc biệt để tự hiểu mình
hầu khỏi phải chìm vào trong xao lãng. Tham dục và xao lãng là những
kẻ gây lắm rắc rối. Hôn trầm và thụy miên - tất cả các triền cái - đều là
những kẻ thù cản bước đường của ta. Việc ta chưa thấy thông suốt được
điều gì vì các tên này đang ngăn đường, chặn lối để bao vây ta. Ta phải
tìm cách tiêu diệt chúng bằng cách sử dụng sự chú ý thích đáng – nói
cách khác, đó là một phương cách sử dụng tâm một cách thiện xảo. Ta
phải đào sâu, truy nguyên, quán chiếu xem mọi thứ phát sinh ra như thế
nào, biến mất như thế nào, và vô thường, khổ, và vô ngã thật sự là gì.
Đây là những câu hỏi mà ta cứ phải tiếp tục tự vấn để tâm có thể thật
sự biết. Khi ta thực sự biết vô thường, chắc chắn là ta sẽ buông bỏ nhiễm
ô, tham dục và chấp thủ, hay ít nhất cũng có thể làm chúng suy yếu,
giảm bớt. Cũng giống như có một cây chổi trong tay. Bất cứ khi nào
chấp thủ phát sinh, ta quét nó ra xa cho đến khi tâm không còn có thể
bám vào bất cứ cái gì, vì không còn gì sót lại để nó bám vào. Ta đã thấy
mọi thứ đều biến đổi, thì còn có gì để bám vào?
Khi ta kiên trì trong việc quán niệm về vô thường, khổ và vô ngã,
tâm sẽ được thoải mái vì ta đã buông lơ việc chấp thủ. Đây chính là sự
kỳ diệu của Pháp: thân và tâm thoải mái, hoàn toàn không vướng mắc
vào các nhiễm ô. Thật tuyệt vời. Trước đây, do vô minh tâm ta u mê,
lang thang khắp nơi, đắm say theo hình sắc, âm thanh, vân vân. Vì thế,
uế nhiễm, tham ái, và chấp thủ khống chế ta. Nhưng giờ đây, chánh niệm
tỉnh giác đã phá tan sự mê mờ nhờ thấy được việc không có ngã trong
các sự vật này, chẳng có gì là thật về chúng cả. Chúng chỉ sinh và diệt
trong từng phút giây. Chẳng có một chút gì là "tôi" hay "của tôi" trong