ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT - Trang 113

thì sao? Chúng ta là đệ tử Phật hay đồ đệ của Ma vương? Bất cứ khi nào
cám dỗ khởi lên –ta lập tức nghe theo nó không chút mỏi mệt, không
chút chán chường. Nếu chúng ta thực sự là đệ tử Phật, chúng ta phải đi
ngược lại với dòng chảy của các uế nhiễm, tham dục, và chấp thủ, củng
cố những đức tính tốt -bắt đầu với giới hạnh là nguyên tắc lý tưởng để
bảo vệ chúng ta. Rồi chúng ta có thể đạt đến giải thoát khỏi đau khổ nhờ
tu tập đi từ phạm vi giới luật, phát triển định tâm và rồi sử dụng trí tuệ để
thấy vô thường, khổ, và vô ngã. Đây là mức cao của trí tuệ: trí tuệ sâu
sắc về vô ngã.

Nói chung, điều quan trọng là ta đừng tin theo các nhiễm ô. Dầu ta

vẫn còn cái gốc của vô minh hay tham dục trong tâm, nhưng hãy luôn sử
dụng chánh niệm tỉnh giác làm phương tiện để biết, để buông xả, và tẩy
sạch mọi thứ. Khi các gốc rễ này đến cám dỗ, ta chỉ cần dừng lại. Buông
bỏ. Từ khước đi theo chúng. Nếu ta tin theo khi chúng bảo ta bám víu
vào sự vật, ta sẽ tiếp tục bị kích động và bị thiêu đốt vì ái dục. Nhưng
nếu ta không đi theo chúng, các dục vọng trong tâm sẽ dần dà lơi bớt,
giảm dần, và cuối cùng chấm dứt.

Vì thế, khi rèn luyện tâm ta phải xem tham dục như là một chiến

trường, cũng giống như khi ta đối phó với một sự nghiện ngập: Nếu ta
không kiên quyết đánh bại nó, thì không cách gì ta thoát khỏi làm nô lệ
cho nó nữa. Chúng ta phải dùng chánh niệm như một cái khiên bảo vệ và
tỉnh giác như ngọn dáo để chặt đứt và tiêu diệt tham dục. Làm được vậy,
thì sự tu tập của chúng ta sẽ tiến triển vững chải, giúp ta đối mặt với uế
nhiễm, tham dục và chấp thủ ngày càng dũng mãnh hơn.

Nếu, trong việc tu tập, ta có thể biết và giải mã được tâm, thì ta sẽ

tìm ra con đường giải thoát, theo bước chân của các bậc Thánh. Nhưng
chừng nào ta còn không biết, ta sẽ nghĩ rằng chẳng có đạo, chẳng có quả,
chẳng có Niết bàn. Chỉ khi nào ta có thể diệt trừ các nhiễm ô ta mới biết.
Ta phải thực sự có khả năng diệt trừ chúng để tự mình biết được đạo,
quả, và Niết bàn thực sự hiện hữu và thực sự có thể tiêu diệt đau khổ,
phiền não. Không giới hạn thời gian. Bất cứ thời gian hay mùa nào, một
khi ta có chánh niệm để dừng lại và buông bỏ, thì không còn đau khổ.
Khi chúng ta lặp đi lặp lại điều này, ngày càng thường xuyên hơn, thì uế
nhiễm ngày càng yếu đi. Đây là lý do tại sao nó là ehipassiko-một điều gì
đó mà ta có thể mời người khác “đến để thấy” -vì tất cả những ai thực
hành như thế đều có thể tiêu trừ uế nhiễm và khổ. Nếu họ quán niệm cho
đến khi họ thấy vô thường, khổ và vô ngã, họ sẽ không còn chấp thủ nữa
và tâm họ sẽ trở thành Pháp, trở thành giải thoát.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.