nhiên của nó. Chỉ khi nào chúng ta chú tâm đến hơi thở, ta mới ý thức về
điều đó. Thân là một khía cạnh của thiên nhiên. Tâm cũng là một khía
cạnh của thiên nhiên. Khi chúng được huân tập đúng cách, thì chúng ta
không còn nhiều vấn đề phải giải quyết nữa. Sự luân chuyển của máu và
năng lượng của hơi thở trong thân sẽ rất tốt cho các dây thần kinh của ta.
Nếu chúng ta rèn luyện chánh niệm tỉnh giác để cảm nhận toàn thân,
đồng thời ta cũng ý thức đến hơi thở, thì hơi thở sẽ ra vào không cần cố
sức.
Nếu chúng ta ngồi thiền một thời gian dài, sự rèn luyện này sẽ giúp
làm cho máu và năng lượng của hơi thở chảy một cách tự nhiên. Chúng
ta không cần phải điều khiển hơi thở hay giữ nó lại. Khi chúng ta đặt
chân và tay trong tư thế tọa thiền đừng căng thẳng chúng. Nếu chúng ta
có thể thư giãn chúng để cho máu và năng lượng của hơi thở có thể chảy
dễ dàng thì điều đó rất ích lợi.
Giử vững chánh niệm trên hơi thở thích hợp cho tất cả mọi thứ -
thích hợp cho thân, thích hợp cho tâm. Trước khi đạt được Giác ngộ, khi
vẫn còn là vị Bồ tát, Đức Phật thường chánh niệm về hơi thở nhiều hơn
bất cứ phương pháp nào khác, xem đó là nơi nương trú của tâm. Vì thế
khi chúng ta thực hành điều đó, chúng ta cũng sẽ có chánh niệm về hơi
thở làm nơi nương trú của tâm. Bằng cách đó tâm không lang thang chạy
theo vọng tưởng, rồi để bị chúng kích động. Chúng ta cần phải kiềm chế
tâm, giữ nó yên. Ngay khi có bất cứ điều gì khởi lên, hãy tập trung vào
hơi thở. Nếu ngay từ đầu, chúng ta đã cố gắng trụ ngay chính nơi tâm,
điều đó có thể quá khó để chúng ta kiểm soát, nếu chúng ta chưa vững
vàng.
Nhưng nếu chúng ta muốn trụ ngay nơi tâm, điều đó cũng tốt thôi,
nhưng chúng ta phải ý thức về nó với mỗi hơi thở vào và ra. Hãy giữ cho
sự tỉnh giác của chúng ta liên tục trong một thời gian dài.
Hãy thực hành điều này trong tất cả mọi tư thế và xem kết quả gì sẽ
phát sinh. Lúc đầu chúng ta phải tích hợp tất cả các các nhân – nói cách
khác, chúng ta cần phải nỗ lực để nhìn và biết cho đúng. Còn việc buông
bỏ, điều đó sẽ đến sau này.
Đức Phật đã so sánh việc rèn luyện tâm với việc giữ một con chim
trong tay. Tâm giống như một chú chim nhỏ và vấn đề là làm sao để giữ
cho nó không bay đi. Nếu nắm quá chặt, thì nó sẽ chết trong tay chúng
ta. Nếu nắm quá lỏng thì chú chim nhỏ sẽ vuột khỏi tay ta. Vậy chúng ta
phải nắm giữ nó như thế nào đế nó không chết mà cũng không bay đi
mất? Việc luyện tâm của chúng ta cũng giống như thế, sao cho nó không
quá căng thẳng, mà cũng không quá dễ duôi, chỉ vừa đúng.