thể nhận thấy bằng mắt. Thí dụ, một bông hoa vẫn còn tươi, chứa đựng
sự thay đổi và hoại diệt ngay trong lúc vẫn còn tươi. Nếu chúng ta chỉ
thấy sự hoại diệt đó khi bông hoa đã úa tàn, thì sự quán sát của chúng ta
vẫn còn thô thiển, vẫn còn xa rời chân lý.
Rất khó có điều gì do duyên hợp mà bền vững, lâu dài, nhưng chúng
ta tự tạo ra các giả định về chúng. Sự vật thay đổi trong chiều hướng phát
triển và trong chiều hướng của hoại diệt. Chúng ta xem những điều này
như là hai quá trình tách biệt, nhưng thật ra cả hai đều là hoại diệt.
Bất cứ khi nào có sự xúc chạm giác quan, hãy quay sự chú tâm vào
bên trong không dừng dứt. Hãy giữ tâm yên tĩnh và ở mức độ bình
thường. Còn về sự xúc chạm, chỉ cần biết nó là xúc chạm, nhưng giữ
chánh niệm về tâm càng liên tục càng tốt cho đến khi tất cả sự chú tâm
của chúng ta đều dồn lại một chỗ. Hãy để nó tụ hợp lại trong sự tỉnh thức
đơn giản và thuần khiết. Nếu sự tỉnh thức đơn thuần này có thể duy trì vị
thế của nó liên tục, nó sẽ trở thành một phương tiện để đọc và giải mã tất
cả mọi thứ bên trong ta. Chúng ta không cần chú tâm tới các cảm giác
của sự phát khởi và hoại diệt. Thay vào đó hãy chú tâm vào sự tỉnh giác
đơn thuần –nói cách khác, sự tỉnh giác ở ngay tâm hay ở các sở hữu tâm
là đơn giản và thuần khiết. Ngay cả khi chúng ta chánh niệm về sự vật
bên ngoài, hãy giữ tâm chánh niệm đó đơn thuần.
Chúng ta phải làm người quán sát khi tâm đã thiết lập được chánh
niệm vững vàng và sự thức tỉnh tập trung cao để chúng ta có thể ý thức
được các sở hữu tâm đơn thuần, mà không có bất cứ sự tạo tác nào –một
sự tỉnh giác đơn thuần ngay nơi nó. Hãy coi đây là nền tảng của ta.
Lúc đầu chúng ta trụ vào hơi thở để giữ cho tâm không đi lang
thang. Chúng ta càng tập trung vào hơi thở, tâm càng trở nên vi tế, đến
mức độ ta không còn cần phải để tâm đến hơi thở nữa. Sau đó chúng ta
quán tâm không dừng dứt. Chúng ta quán ngay trên tâm đơn giản và
thuần khiết, mà không có bất kỳ tâm hành nào, không có bất kỳ sự dán
nhãn, đặt tên nào. Bất cứ điều gì khởi lên, chỉ cần biết như thế, không
cần biết xa hơn thế và giữ cho tâm chánh niệm liên tục.
Khi tâm nằm dưới sự kiểm soát của chánh niệm, không vọng tưởng
hay bị xao lãng, bị chi phối, nó sẽ tĩnh lặng và tỉnh giác bên trong. Khi
chúng ta quán ngay nơi tâm, nó sẽ dừng lại và trở nên tĩnh lặng một cách
tự nhiên. Chúng ta sẽ thấy rằng tâm chỉ là một khía cạnh của thiên nhiên,
không phải là “tự ngã” hay bất cứ thứ gì giống như thế. Khi chúng ta
nhìn thấy rõ ràng rằng tâm chỉ là một khía cạnh của thiên nhiên, thì điều
đó sẽ hủy diệt mọi bám víu vào nó như là “ta”, hay “của ta”.
Dầu chúng ta có ý thức được sắc hay thọ, chỉ cần xem chúng là
những khía cạnh, yếu tố của thiên nhiên – tất cả vạn pháp. Tâm sẽ không