Chúng ta càng hướng sự chú tâm ra ngoài, chúng ta càng trở nên u
mê. Ngược lại, chúng ta càng soi rọi nội tâm, thì chúng ta càng trở nên
sắc bén – và chúng ta càng có thể rũ bỏ những đau khổ và uế nhiễm của
mình. Càng nhìn ra bên ngoài, chúng ta càng thâu thập thêm nấm mốc
gây thối rữa, thì chúng ta càng trở nên là một đống rác thải.
Khi nhìn thấy những uế nhiễm ở nơi người khác, chúng ta thấy
chúng ô uế làm sao. Nhưng khi chúng xuất hiện nơi bản thân mình thì ta
thấy là chúng đúng và tốt. Đây là nơi ta tỏ ra rất mâu thuẫn, coi các uế
nhiễm của mình như là những người bạn thân -đúng với câu nói “Coi
mấy đĩa sắt mòn rỉ như những cánh hoa sen”. Có phải đó là thái độ của
chúng ta không? Đây là điều đáng cho chúng ta xem xét lại.
Nếu chúng ta biết cách quán sát sự phát sinh của uế nhiễm – dầu đó
là tham hay sân - ngay cả khi nó rất yếu ớt, chúng ta cũng cần nhìn tận
mặt nó cho đến khi chúng ta có thể dẹp nó qua một bên. Nếu không làm
như thế thì chúng ta sẽ khó có sức mạnh để chiến thắng. Nếu chúng ta
nạp thêm năng lượng cho nó, cho đến khi nó bắt đầu lan tỏa ra khắp nơi,
thì nó sẽ bùng lên như là một đám cháy lớn, và chúng ta sẽ không còn có
khả năng dập tắt nó nữa. Nếu muốn dập tắt một uế nhiễm, chúng ta cần
phải dẹp nó ngay ở giai đoạn khởi đầu, khi nó xuất hiện như một chút
cảm giác của việc ưa hay ghét.
Khi tâm trống rỗng, như hiện có, hãy tiếp tục quán sát xem các cảm
giác này đã phát khởi như thế nào. Xem chúng qua đi như thế nào và
chúng ta phải làm cách nào để có thể chắc chắn rằng không có thứ gì
khác phát sinh để tiếp sức cho nó. Sự ý thức của chúng ta về điểm-khởi-
đầu của một hành là cách để dẹp bỏ, đánh tan khổ đau ngay từ lúc bắt
đầu – một phương pháp không những đúng đắn mà còn đòi hỏi ít năng
lượng nhất.
Dẹp tan những ham muốn và sân hận âm ỉ thì không dễ, vì gốc rễ
của chúng vẫn còn đó; chúng vẫn còn được phân bón dung dưỡng. Đó là
lý do tại sao chúng cứ nở hoa và đậu quả. Vì thế nếu thực sự muốn áp
dụng một phương pháp nhanh nhất và đứng đắn nhất, chúng ta phải tập
trung vào việc hủy diệt ảo tưởng – vào việc đối mặt với sự thật.
Chú tâm thẳng vào việc làm thế nào mà uế nhiễm có thể khiến tâm
trở nên mê muội, phiền não và nóng nảy. Sau đó quán chiếu xem ta phải
làm thế nào để hủy diệt chúng. Khi chúng rã tan, tâm có cảm thấy nhẹ
nhõm, mát mẻ không? Hãy cứ nhìn ngay nơi đó.
Sự nhẹ nhõm, mát mẻ ở đây không phải do ta làm. Mà đó chính là
sự nhẹ nhõm, mát mẻ từ bên trong và từ chính tâm, chứ không cần phải
tưới nước lên. Đó là cảm giác của tâm khi nó có thể buông bỏ điều gì đó.
Nó nhẹ nhõm, mát mẻ từ bên trong và từ chính nó.