Chính vì vậy việc quán chiếu nội tâm thật vô cùng đặc biệt. Bất cứ
điều gì phát khởi, chỉ cần dừng lại và quan sát nó. Đừng để bị kích động.
Nếu chúng ta trở nên kích động khi bất cứ cảm giác đặc biệt nào khởi
lên, chúng ta sẽ khiến cho tâm trở nên loạn động. Nếu chúng ta sợ điều
này, điều kia sẽ xảy ra, thì chúng ta cũng bị bấn loạn. Vì vậy chúng ta
phải dừng lại và quan sát, dừng lại để biết. Việc đầu tiên chỉ đơn giản là
quan sát và nhận biết. Nhưng cũng đừng bám vào cái biết của ta -vì bất
cứ đó là gì, nó chỉ đơn thuần là hiện tượng sinh rồi diệt, sinh diệt, biến
đổi theo bản tính tự nhiên của nó.
Vì vậy sự tỉnh thức của chúng ta cần phải có một vị thế vững chắc
ngay chính nơi tâm thức. Trong các giai đoạn đầu, chúng ta phải biết
rằng khi nào chánh niệm vững chãi, thì tâm ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi
đối tượng của các cảm xúc. Hãy tiếp tục thực hành để duy trì trạng thái
này. Nếu bản thân chúng ta cảm nhận được điều này, thật sự thấy và biết
điều này, thì chánh niệm của ta sẽ trở nên vững chãi hơn. Dầu có bất cứ
điều gì phát khởi, chúng ta vẫn có thể buông bỏ – và rồi tất cả những vấn
đề, những phiền não của tâm sẽ tan biến đi.
Nếu chúng ta thất niệm, tâm sẽ phóng dật, chấp thủ và loạn động sẽ
phát sinh. Vì thế chúng ta phải kiểm soát tâm trong từng giây phút.
Không có gì đáng cho ta quan sát hơn là tâm thức. Ta phải luôn soi rọi,
quán chiếu nội tâm rốt ráo. Hoặc quán sát thân, thọ, hay hiện tượng sinh
diệt – các Pháp – bên trong và ngay nơi các Pháp. Tất cả các Pháp này là
những đề mục mà ta có thể hoàn toàn quán sát bên trong ta. Tuy nhiên,
việc theo dõi quá nhiều đề mục, chỉ làm cho ta thêm bấn loạn, thiếu tập
trung. Bởi vì ban đầu ta thực hành với đề mục này, rồi nhảy sang đề mục
khác, rồi so sánh các đề mục. Tất cả các hoạt động này sẽ khiến tâm
không thể nào yên.
Nếu chúng ta có thể duy trì chánh niệm, nếu chúng ta khéo léo trong
việc quán sát, thì tâm sẽ được bình an. Ta sẽ biết các pháp sinh diệt như
thế nào. Đầu tiên hãy tập gìn giữ sự tỉnh thức trong tâm, để chánh niệm
của chúng ta được vững chãi, không bị các xúc chạm giác quan ảnh
hưởng, không phán đoán tốt, xấu, thích hay không thích. Chúng ta phải
luôn quán sát để thấy rằng khi tâm ở trạng thái tự nhiên, tập trung, và
trung tính như trạng thái nguyên sơ của nó, thì – bất cứ nó thấy và biết
điều gì - nó đều có thể quán chiếu và buông bỏ.
Những biến động trong tâm mà chúng ta đã nhọc công giải thích
đều ở mức độ ngôn từ. Chỉ khi nào có sự ý thức ngay nơi tỉnh thức, lúc
ấy chúng ta mới thực sự biết rằng cái tâm ý thức được sự tỉnh thức không
phát tán cái biết của nó ra khỏi sự tỉnh thức này. Không có vấn đề.