Thấu Rõ Nội Tâm
Đức Phật dạy rằng chúng ta phải biết với tâm và trí của mình. Dầu
đã có rất nhiều tài liệu được lưu giữ để giải thích Pháp, chúng ta chỉ cần
tập trung vào các pháp mà ta có thể biết và thấy, có thể dập tắt và buông
xả, ngay trong từng sát-na của hiện tại. Điều này còn tốt hơn là ôm đồm
bao nhiêu thứ. Một khi chúng ta có thể quán và hiểu được sự tỉnh thức
trong tâm, chúng ta sẽ hiểu tận đáy lòng rằng Đức Phật đã Giác Ngộ từ
chân lý ngay nơi tâm. Chân lý của Ngài thật sự là ngôn ngữ của trái tim.
Khi Pháp được diễn giải bằng nhiều cách, nó trở nên cái gì đó rất
tầm thường. Nhưng khi ta duy trì được sự quán sát cẩn thận và gần gủi
ngay nơi thân tâm, ta sẽ có thể thấy rõ ràng, có thể buông xả, và đặt
xuống các gánh nặng. Nếu không biết ngay tại tâm, thì cái biết của chúng
ta sẽ phát tán tứ phía, tạo tác các tâm hành với đủ thứ ý nghĩa theo sự
phán đoán thông thường – và tất cả đều sai lạc.
Nếu chúng ta biết ngay nơi sự tỉnh thức nội tâm và duy trì được
trạng thái này, thì không có gì cả: không cần nắm giữ điều gì, không cần
phán đoán điều chi, không cần đặt tên cho điều gì. Ngay nơi tham ái phát
khởi, nó hoại diệt ngay đó, đấy là nơi mà ta sẽ biết nibbana(niết-bàn) là
gì. “Nibbana(niết-bàn) đơn giản chỉ là sự hoại diệt của tham ái”. Đó là
điều mà Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta nhiều lần.
---o0o---