Để bắt đầu – để không dung dưỡng thêm cái ngã - chúng ta phải biết
bằng lòng với cái mình có. Chúng ta không nên để mình cảm thấy tham
muốn điều này, điều kia, dầu là thô hay vi tế, dầu ta cảm thấy bị chúng
quyến rũ đến đâu. Đây là điều mà mỗi chúng ta phải nhìn thấy và phải tự
hiểu – và nó không dễ dàng, vì tham ái có thể rất vi tế, rất khó nhận diện.
Đã thế công việc này càng thêm khó khăn khi cái ngã luôn tìm cách
khiến chúng ta xao lãng. Nếu ta hỏi nó muốn điều gì, chạy theo thứ chi,
nó sẽ tảng lờ như thể không nghe ta nói. Nó chỉ chăm chú vào việc muốn
thêm, muốn thêm nữa không dừng dứt.
Tìm mọi cách khéo léo để tích lũy thêm vật chất là đặc tính căn bản
của con người. Các uế nhiễm chỉ hướng chúng ta đến việc lấy thêm vào,
chứ không cho ra hay hy sinh thứ gì. Giá mà điều này có thể là ngược lại
để chúng ta luôn sẵn sàng cho đi! Được vậy thì quá tốt, vì chúng ta sẽ
không còn bám víu vào vật chất và dần dần, với sự hỗ trợ của thiền định
- dẹp bỏ được tâm tham đắm của mình. Nếu, bằng cách không cung cấp
thực phẩm cho chúng nữa, thì uế nhiễm không thể tăng trưởng, là chúng
ta đang bước theo dấu chân của các vị A-la-hán. Nhưng con đường kia,
bằng sự lừa mị và dung dưỡng ‘cái ngã’ sẽ đưa ta theo chân của Ma
vương – là hiện thân của các uế nhiễm - và thay vì cho đi, ta sẽ đắm
chìm trong việc thâu tóm, và tiêu thụ vật chất không dừng dứt.
Như thế thì chỉ có hai con đường, và chúng ta phải tự hỏi mình,
“Thực sự là tôi đang đi theo con đường của bậc Giác Ngộ hay con đường
của Ma vương? Tôi thuần thục con đường nào hơn?” Đó là câu hỏi mà
chúng ta luôn phải tự vấn. Nếu không có đủ trí tuệ, chúng ta sẽ bị ảo
tưởng về ‘ngã’ lừa dối, bị những lời thầm thì của Ma Vương quyến rũ,
“Càng có nhiều, tôi càng hạnh phúc”. Vì thế chúng ta phải tự quán xét
mình để xem căn bệnh vị kỷ sâu xa này – khuynh hướng thâu tóm- có lây
nhiễm đến chúng ta, đến từng mỗi người chúng ta.
Với của cải, tài sản của cộng đồng, chúng ta cần cẩn trọng không
bao giờ tự ý lấy thứ gì. Phải hỏi trước. Nếu chúng ta cứ thoải mái lấy thứ
này, thứ kia từ của chung, dầu chúng ta không cố ý, cũng là một hình
thức ăn cắp. Vì thế đừng lấy những sở hữu của cộng đồng khi không
được phép. Đúng ra, chúng ta cần thỉnh thoảng mang đến chia sẻ với mọi
người những thứ thuộc sở hữu của cá nhân chúng ta. Như thế chúng ta
tránh được tâm bám víu và không còn lúc nào cũng nghĩ cho sự ích lợi
của riêng mình. Nếu không, bản ngã thích chiếm hữu sẽ trở nên quá
thuần thục đến độ chúng ta sẽ không còn nhìn thấy được sự nguy hiểm
của nó.