cho các uế nhiễm phát sinh dễ dàng hơn. Kỷ luật giúp cho chánh niệm
được khởi lên, hầu ngăn chận các uế nhiễm. Nếu ta coi thường các giới
luật và quy tắc, thì chúng không ích lợi gì; nhưng nếu ta tuân theo chúng
một cách chánh niệm, thì chúng rất lợi ích. Chúng giúp ta biết cách ứng
xử khéo léo trong mọi hoàn cảnh – là điều ta cần vì chúng ta chưa thật sự
hiểu bản thân. Đức Bổn Sư hiểu biết tất cả hoàn cảnh, dưới mọi góc
nhìn, trong khi chúng ta thì bị che phủ trong bóng tối của vô minh từ mọi
phía. Chúng ta không thể chắc chắn về bản thân đối với những vấn đề ở
bên trong hay bên ngoài, vì thế chúng ta phải dựa vào Pháp như người
dẫn đường. Nhưng chúng ta có đi theo Pháp hay lang thang lạc lối là
điều mà mỗi chúng ta phải tự quyết định cho mình.
Nếu chúng ta không tự mãn, nếu chúng ta muốn hủy diệt các uế
nhiễm, khổ ưu, thì chúng ta phải quyết tâm hành Pháp, không buông
lung. Dầu chúng ta đã đi con đường nào, chúng ta đã chỉ gặp toàn những
ngọn lửa khổ đau, nên giờ là lúc chúng ta cần dừng lại, quay vào bên
trong và dốc toàn lực tranh đấu để được giải thoát. Nếu ta không có một
sự hiểu biết rõ ràng, thấu đáo về tâm của mình, thì uế nhiễm sẽ bung ra,
phát tán vi trùng khắp nơi, đem lại cho ta ngày càng nhiều khổ đau. Vì
thế chúng ta phải củng cố chánh niệm tỉnh giác, vì không có công cụ nào
khác có thể đối đầu và hủy diệt được uế nhiễm.
Muốn được như thế đòi hỏi một sự nỗ lực để rèn luyện tâm không
mệt mỏi, với sự dẫn dắt của chánh niệm và tỉnh giác. Hành động nửa vời
chỉ làm phí thời gian, mà chúng ta vẫn vô minh như trước đó. Khi nhận
thức được điều này thì những ích lợi từ sự nỗ lực của chúng ta sẽ phát
triển cho đến khi chúng ta có thể hủy diệt được các uế nhiễm, buông bỏ
được các bám víu và giải thoát được khổ đau. Nhưng nếu chúng ta không
tu tập theo hướng đó, chúng ta sẽ bị cuốn trôi theo uy lực của tham ái,
của uế nhiễm. Nếu ta tự mãn, buông lung, thì các uế nhiễm sẽ lôi chúng
ta đi khắp nơi, đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng sự buông xả, kham
nhẫn và cởi mở là những công cụ giúp ta trừ khử các căn bệnh nhiễm
trùng trong tâm.
Các căn bệnh này rất khó chẩn đoán. Đôi khi chúng cũng biểu lộ
chút ít bản chất thật của chúng, nhưng ít khi đủ để khiến ta quan tâm đến
chúng. Đó là lý do tại sao dần dần chúng sẽ chế ngự ta. Vậy mà đôi khi
ta còn vui vẻ tuân theo chúng! Vì thế sự quán sát của ta cần phải rất cẩn
trọng, rất thấu đáo. Nếu không thì cũng giống như việc ta vừa bít một lỗ
trống trên thuyền thì đã thấy một lỗ khác hiện ra. Có tất cả sáu lỗ hổng –
các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý - và nếu ta không gìn giữ chúng, thì
chúng là những cửa ngõ để tâm ta chạy theo các đối tượng khiến tâm
thêm đau khổ.